Giới Thiệu Về Vân Cốc FC

Trang thông tin tổng hợp của giới trẻ Vân Cốc. Nơi giao lưu của các thế hệ Vân Cốc

Hiển thị các bài đăng có nhãn vân cốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn vân cốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn

Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn

Xã Hát Môn là địa danh có nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị nhiều mặt. Đặc biệt có Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng nổi tiếng khắp cả nước, đã được nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Nằm trong vùng địa danh nổi tiếng đó, Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì là một trong những di tích quan trọng của địa phương. Di tích là nơi thờ tự vị danh nhân quê hương – Quận công Nguyễn Ngọc Trì.

quan cong

Các bộ chính sử không ghi chép về Nguyễn Ngọc Trì. Tuy nhiên, tại di tích hiện nay còn một số tư liệu như bia đá, sắc phong, câu đối…khả dĩ có thể cho biết một số thông tin cơ bản về nhân vật lịch sử này. Theo ghi chép trong văn bia, Nguyễn Ngọc Trì là người xã Hát Môn. Cha ông tên là Nguyễn Ngọc Hồ. Mẹ là bà Nguyễn Thị Ngọc Biên, đều là người xã Hát Môn. Văn bia không cho biết năm sinh, năm mất của Nguyễn Ngọc Trì, song dựa vào một số tình tiết trong bia, đến năm 1625, Nguyễn Ngọc Trì đã là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái giám Tham tri giám sự, tước Phúc Lộc hầu, tức là quan chức rất cao. Trên mặt bia do Nguyễn Thực Phác soạn ghi, đến năm 1631, Nguyễn Ngọc Trì đã được phong tước Quận công. Vào thời điểm này ông tuổi tác đã khá cao nên tuy không biết năm sinh, năm mất một cách cụ thể, nhưng có thể chắc chắn rằng Nguyễn Ngọc Trì sinh vào nửa sau thế kỷ XVI và mất ở nửa đầu thế kỷ XVII.

quan cong 1

Sự nghiệp chính trị của ông nổi bật nhất là vai trò của một võ tướng có huân nghiệp, từng xông pha nhiều trận, gắn với giai đoạn Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cầm quyền (1623-1657). Với tư cách là một chiến tướng, Nguyễn Ngọc Trì đã có đóng góp nhất định giúp chính quyền Lê – Trịnh đánh bại nhà Mạc, lập lại ổn định tại Bắc Hà. Do có công lao lớn đối với chính quyền Lê – Trịnh nên theo điển chế đương thời, cha ông được phong tặng là Phù Nghĩa hầu, mẹ ông được sắc tặng là Phù Nghĩa chánh phu nhân, con trai ông là Nguyễn Ngọc Điện được phong là Hoằng tín đại phu, Hạ trật.

Không chỉ có công với chính quyền Lê – Trịnh, đối với địa phương, Nguyễn Ngọc Trì cũng có nhiều ơn điển. Ông ban cấp ruộng đất với số lượng lớn cho các xã trong tổng, trùng tu các công trình chung của địa phương…vì thế ông được nhân dân địa phươnng sùng ngưỡng. Năm 1625, các họ trong xã Hát Môn gồm: Nguyễn, Trần, Dương, Đinh, Hoàng, Đặng, Vũ, Phan, Đỗ, Hạ, Kiều, Phùng cùng bàn bạc với nhau, cho là “Người xưa có công với đời, giúp dân hưng thịnh nên được thờ tự. Huống hồ ông Phúc Lộc ta là người phò giúp xã tắc, đức tưới muôn dân, do vậy đáng lập miếu đình để xuân thu bốn mùa hưởng sự báo đáp của bàn dân thiên hạ. Thế rồi bèn lập sinh từ ngay ở bản xã để phụng thờ, đăng đối với đền thờ Trưng Vương, trường tồn mãi mãi”. Việc lập sinh từ thờ Nguyễn Ngọc Trì ngay khi ông còn sống cho thấy sự sùng kính của nhân dân địa phương đối với ông. Việc này được tác giả văn bia sánh với việc Chưởng giám Địch Hoài Anh, tức Địch Nhân Kiệt, đại thần thời Đường được dân kính sùng lập đền thờ khi còn sống.

Sinh thời, quan Quận có thời gian sinh sống tại thôn Phú Mẫn, xã Nội Trà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây ngài lập thiếp là bà Nông Thị Ninh, phát triển thêm một dòng nhánh ở Nội Trà. Hiện lăng mộ quan Quận đặt tại đây, với đầy đủ hệ thống tượng chầu được tạo tác nghiên cẩn.

Phủ Quận công Nguyễn Ngọc Trì có tổng diện tích 1.072,6m2, toạ lạc trên một dải đất cao ráo, rộng thoáng phía bên hữu sông Hát, gần trụ sở UBND xã Hát Môn. Theo lời kể của các cụ cao niên, di tích vốn xưa kia là Am, được cấu trúc bằng các cột đá nguyên khối, có hình trụ tròn, thân cột có đục lỗ để gác các thanh xà ngang, dọc bằng gỗ lim tạo hệ sàn. Am cũng có mái lợp ngói xong không có tường vây. Hệ thống tượng thờ, tượng túc vệ cũng được bày biện như hiện nay. Đến thời vua Tự Đức 18 (1865), Am được xây dựng lại thành nơi thờ tự trang nghiêm, trong đó Hậu cung được xây dựng chữ Đinh. Trải qua thời gian, di tích bị xuống cấp, đến thời Bảo Đại 13 (1937), phần tường sau của Hậu cung bị xuống cấp nặng, khi trùng tu đã lược bớt phần chữ Đinh phía sau. Ngay phía sau phủ có một tượng mặt người bằng đất nung, bị vạt mất góc hàm trái, tương truyền đó là thủ cấp của một tướng giặc bị quan quân chém, từ sau năm 1996 mặt tượng này không còn nữa. Phía trước phủ có một giếng nước cổ, quanh năm nước trong mát. Phủ thờ Quận công tuy mới được phục dựng gần đây, song vẫn được làm trên nền đất cũ. Một số cấu kiện của công trình cũ như các cột đá làm trụ sàn xưa vẫn còn, nhiều viên gạch, ngói có niên đại cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII vẫn được lưu giữ. Di tích được quy hoạch khá gọn gàng, sạch đẹp, hiện không có hiện tượng lấn chiếm hay vi phạm đất đai xảy ra trong khu di tích.

Phủ Quận công hiện nay có các hạng mục công trình: Nghi môn, tả-hữu mạc, nhà phụ trợ và công trình thề tự chính gồm Tiền tế và Hậu cung hình chữ Nhị, trong đó các hạng mục Nghi môn, tả-hữu mạc, Tiền tế hiện trong tình trạng tương đối tốt; còn Hậu cung đang xuống cấp. Toàn bộ khuôn viên di tích đã được xây tường bao quanh. Bộ di vật tại Phủ Quận công Nguyễn Ngọc Trì rất phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, mang giá trị thẩm mỹ cao. Đặc biệt là hệ thống tượng đá, bia đá có niên đại đầu thế kỷ XVII. Đây là những di vật quý hiếm trên địa bàn xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung. Ngoài việc tôn thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, góp phần tôn vinh một danh nhân của quê hương.

Các tư liệu thành văn tại di tích hiện không cho biết ngày sinh, ngày hoá của Quận công, song từ xa xưa tới nay, dòng họ và dân làng vẫn lấy ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày hoá của ngài để tổ chức các nghi lễ cúng tế nghiêm cẩn. Ngoài dịp giỗ ngài Quận công vào ngày mùng 7 tháng giêng, tại di tích còn có các lễ: Giỗ thân phụ Quận công ngày 20/7 âm lịch; Giỗ thân mẫu quan Quận ngày 26/2 âm lịch; Giỗ chính thất phu nhân ngày 23/2 âm lịch; Lễ Lạc tiết giao điệt ngày 10 tháng giêng…Trong đó lễ lớn nhất trong năm là lễ ngày mùng 10 tháng giêng, gồm phần lễ tế và tổ chức hội vật. Hội vật được tổ chức để tưởng nhớ đến việc tuyển quân của quan Quận, đồng thời nêu cao tinh thần thượng võ của dân tộc. Tuy vậy, di tích vẫn được chính quyền và nhân dân xã Hát Môn quan tâm đặc biệt nên vẫn có các nghi lễ tế quan Quận hết sức trang nghiêm.

Không chỉ là một di tích tín ngưỡng, Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì còn là một địa chỉ chứa đựng nhiều giá trị khoa học. Với các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ của di tích, ngày 28/6/2016, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã quyết định xếp hạng Phủ thờ Nguyễn Ngọc Trì là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây vừa là niềm vui, niềm vinh dự, song cũng là trách nhiệm đối với nhân dân xã Hát Môn nói riêng và huyện Phúc Thọ nói chung trong việc chăm lo, bảo tồn di tích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tăng cường giao lưu văn hoá trong quá trình hội nhập quốc tế

The post Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn appeared first on Vân Cốc Quê Tôi.


Read More...

Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi

Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi

Nằm uốn mình bên hữu ngạn sông Hồng, thuộc dải đất phía Bắc của huyện Phúc Thọ, Vân Nam là một vùng đất bãi với nền kinh tế thuần nông từ xưa cho đến nay. Cách đây 20 năm, ngôi trường cấp III Vân Cốc ra đời như một mốc son đối với vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống văn hóa này.

Trường được thành lập vào tháng 8 năm 1992. Bốn năm đầu ghép chung với trường THCS Vân Nam – Phúc Thọ – Hà Tây (cũ) với tên gọi trường cấp II – III Vân Cốc. Năm học đầu tiên có 103 học sinh khối THPT, chia thành 3 lớp. Đến năm 1996, trường được tách ra thành một trường độc lập : Trường cấp III Vân Cốc với 15 lớp, 892 học sinh và 25 giáo viên.
Buổi đầu thành lập, thầy và trò nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn: thiếu giáo viên dạy, thiếu phòng học và các điều kiện học tập khác. Cảm thông với nguyện vọng của nhân dân nơi đây, mong muốn có một ngôi trường cấp III để con em không phải đạp xe hay trọ học hơn chục cây số tại các trường khác trong huyện, những người thầy đầu tiên của mái trường quyết tâm: dù khó khăn đến đâu cũng phải xây dựng nhà trường vững mạnh và phát triển.
Công cuộc củng cố được xác định với ba mục tiêu trọng yếu : Xây dựng đội ngũ giáo viên đầy đủ và có chất lượng; xây dựng lực lượng học sinh đông đảo với chất lượng học tập và rèn luyện đạo đức tốt; xây dựng cơ sở vật chất nhà trường đầy đủ để đảm bảo yêu cầu giảng dạy và học tập.
Sau hai mươi năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng, đến nay, trường THPT Vân Cốc đã vượt lên vững vàng, ngày càng phát triển và trưởng thành.
Hai mươi năm qua, nhà trường đã đón nhận hơn một trăm lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các vùng trong thành phố về công tác tại trường. Ai đã từng công tác hay đặt chân tới trường THPT Vân Cốc, đều nhận ra một điều, địa bàn nơi trường đóng là một vùng dân cư cho đến nay vẫn còn nghèo và lạc hậu. Bốn phía xung quanh trường quanh năm trồng toàn lúa, ngô, đỗ, lạc, không có một nhà máy, một cơ sở sản xuất có quy mô nào được đặt ở đây. Đa phần người dân sống và nuôi con ăn học bằng nghề trồng trọt hoặc chạy chợ khuya sớm. Vì thế, hơn 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại trường đều là những người dám chấp chận khó khăn, gian khổ để gắn bó với nhà trường, với học trò. Lời dặn dò của chủ tịch Hồ Chí Minh : “Dù khó khăn đến đâu cùng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” thật có ý nghĩa với thầy và trò trường THPT Vân Cốc

Trong dòng chảy không ngơi nghỉ của sự nghiệp phát triển, tính đến nay ( 2012)  nhà trường đã đào tạo được hơn 6000 học sinh tốt nghiệp, 17 khóa học sinh ra trường hiện đang công tác, lao động và học tập ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành kĩ sư, các nhà khoa học, bác sĩ, nhà lãnh đạo trẻ, nhà quản lí, là sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt có nhiều học trò đã trở thành giáo viên và trở về công tác tại trường, đóng góp vào sự nghiệp trồng người cùng các thế hệ đi trước. Nhân cách, đạo đức, tài năng của học trò chính là cái đích để con thuyền giáo dục vươn tới, vì thế, sự thành đạt của các thế hệ học trò là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn động viên đối với đội ngũ các thầy cô trong mỗi năm qua.
Trong thời kì đổi mới hiện nay, trường THPT Vân Cốc vẫn đang tiếp tục được đầu tư về cơ sở vật chất với quy mô lớn. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học từng bước được trang bị đầy đủ. Cùng với đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết với nghề thì sự quan tâm đó của thành phố và của Sở Giáo dục và Đào tạo đã góp phần quan trọng tạo nên chất lượng giáo dục ngày càng cao của nhà trường. Bình quân mỗi năm học, số lượng học sinh tốt nghiệp đạt tỉ lệ 98%; học sinh đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng đạt 60%, đã có học sinh đỗ thủ khoa trường Đại học thuộc tốp đầu của cả nước; học sinh khá và giỏi đạt 45%.
Không chỉ coi trọng việc nâng cao chất lượng dạy và học, cấp Ủy, Ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường còn rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, phẩm chất học sinh, giúp các em hoàn thiện nhân cách trước khi bước vào cuộc sống. Bình quân hằng năm, hạnh kiểm tốt của học sinh đạt tỉ lệ trên dưới 70%, loại khá đạt 23 %. Đáng ghi nhận là từ trước cho đến nay trường không có hiện tượng học sinh mắc các tệ nạn xã hội.
Học đi đôi với hành, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, nhà trường còn tổ chức cho học sinh học nghề phổ thông như nghề điện, nghề vườn. Ngoài ra, thầy và trò còn được tham gia đầy đủ các hoạt động do Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương phát động, tổ chức như : thi giáo viên dạy giỏi, thi học sinh giỏi, hoạt động thể dục – thể thao, các phong trào văn hóa – văn nghệ, phong trào đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động xã hội khác với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục và đào tạo ra những thế hệ học trò vừa có tri thức văn hóa, có đạo đức, vừa năng động, tự chủ và sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của xã hội trong thời kì mới.
Đạt được những kết quả trên, hoàn thành được nhiệm vụ giáo dục trong những năm gần đây không chỉ là sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò mà còn có một phần từ sự thực hiện nghiêm túc những chủ trương, đường lối mà Đảng ủy, UBND huyện, Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn trong đó có cuộc vận động “Hai không” với 6 nội dung cùng các phong trào thi đua như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. …

 

Với sức vóc của tuổi xuân, phát huy truyền thống của quê hương Phúc Thọ, trường THPT Vân Cốc sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực dồi dào cho quê hương, đất nước.

 

The post Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi appeared first on Vân Cốc FC.


Read More...

Đền Hai Bà Trưng - Đền Hát Môn

  Đến thăm đền Hát Môn là đến thăm một vùng mang nhiều dấu tích anh hùng của Hai Bà - hai vị nữ lưu hào kiệt, những người đã làm rạng danh cho truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam.

Từ Hà Nội theo quốc lộ 32 đi hết thị trấn Phùng là đến Xã Hát Môn, Huyện Phúc Thọ (xưa là Phúc Lộc), Hà Nội. Nơi đây có 1 trong 3 ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn nhất và lâu đời nhất ở nước ta. Nguyên xưa, ngôi đền nằm trên bờ cửa sông Hát (đoạn sông Đáy nối sông Hồng), sau do sông đổi dòng nên đền đã ở sâu vào đất liền. 

Tương truyền, đây là nơi Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đánh thái thú Tô Định. Sau khi chiếm được các thành trì ở Lĩnh Nam, Hai Bà bèn tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh, Vĩnh Phúc. Hai năm sau, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh, quân Hai Bà phải rút về giữ Cấm Khê, Trưng Vương tự vẫn ở sông Hát, về sau dân xã Hát Môn lập đền thờ kề chân đê. 

Bia đá 
  
Truyền rằng đền có từ thời tiền Lê, diện mạo hiện tại mang dấu vết từ thế kỷ 19. Từ hai phía đầu đê đi xuống đền Hát Môn là hai tấm bia có chữ "Hạ mã". Xưa kia, các quan thuộc các triều đại qua đây đều phải xuống ngựa và đi bộ để tôn kính Hai Bà. Ngay chân đê là cổng đền với các bậc thềm đi xuống. Hai bên cổng có hai cột trụ với đôi câu đối nổi tiếng:

Đồng trụ chiết hoàn Giao Lĩnh trĩ
Cẩm Khê doanh hạc Hát giang trường

tạm dịch:

Đồng trụ gãy hay còn, núi Lĩnh Nam đời đời cao ngất
Cẩm Khê vơi hay đầy, dòng Hát Giang mãi mãi vươn dài.




Đền Hai Bà nằm giữa một không gian cổ kính




Cây cối rườm rà, phong cảnh linh thiêng  
  
Trước khi vào thăm đền, ta sẽ gặp miếu "Bà Hàng nước" thờ người phụ nữ đã khuyên Hai Bà tự vẫn để giữ trọn khí tiết.

Tiếp đến, ta sẽ gặp hai trụ đồng được coi là cổng đền. Cao Bá Quát - một bậc tài danh và khí phách hào hùng ở TK 19, đã tiến cúng đền Hát Môn một đôi câu đối ca ngợi công đức Hai Bà, khắc ngay trên cột trụ:


Tùng bất kim đao, thiên khai vận,
Ưng vô đồng trụ, đá phân cương "

Nghĩa là: Nếu không có kim đao do Hai Bà (ví như trời) mở vận thì đâu có được đất nước này một bờ cõi riêng.



Trong đền, bày nhiều đồ thờ cúng cùng hoành phi, câu đối, nói lên khí phách, tinh thần quật khởi và công đức của Hai Bà, đối với non sông xã tắc. Chính giữa đền treo bức đại tự (Lạc Hùng chính thống).


 
 



    Hoành phi: Hưởng thành tích hỗ




Hoành phi: Hùng Lạc chính thống







  Hoành phi: Trì tiết hành nghĩa







 Bức hoành do các vị: Phan Duy Tiếp, Trần Lê Nhân...cúng tiến




Trong đền, bày nhiều đồ thờ cúng cùng hoành phi, câu đối, nói lên khí phách, tinh thần quật khởi và công đức của Hai Bà, đối với non sông xã tắc. Chính giữa đền treo bức đại tự (Lạc Hùng chính thống).




Phía Hậu cung đặt hai long ngai bài vị của hai Bà. Ngoài ra, trong đền hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật giá trị như: kim tự khí, hương án, bài vị... mang đậm nghệ thuật chạm khắc thời Lê. 


  Hổ phù ở nhang án thờ  



Diệp long

Tương truyền rằng Hai Bà hi sinh ở chiến trường, máu Hai Bà thấm đỏ non sông. Bởi vậy, toàn bộ đồ thờ ở đền Hát Môn đều sơn màu đen, kiêng màu đỏ. Hàng năm, người đến tế lễ cũng như dự hội hè ở Hát Môn đều không được ăn vận quần áo, trang phục màu đỏ. Nếu có phải để ở ngoài đền.







  Kiệu đền Hai Bà 



  
Kiệu long đình, sơn đen 




Án dâng lễ vật, sơn đen

Phía sau đền có một gò gọi là gò Ngọc Ấn, nơi khi xưa nghĩa quân Hai Bà chôn giấu các ấn tín và ngọc ấn. Đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 1991
   
Ngày 6.3 năm 43, (Quý Mão) trước lúc Hai Bà hóa thân xuống dòng sông Hát   

Lễ hội chính vào ngày mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp âm lịch. Hội lễ ngày mồng 6 tháng Ba, ngày hoá của Hai Bà Trưng là hội lễ chính hằng năm. Trong ngày hội, dân làng cúng Hai Bà những mâm đầy các đĩa bánh trôi. Theo truyền thuyết tại Hát Môn thì khi bị vây hãm, Hai Bà đã phi ngựa qua vùng căn cứ cũ, nhân lúc đói, Hai Bà ghé vào quán hàng bánh của một bà già ăn đĩa bánh trôi và 2 quả muỗm. Bánh trôi dâng phải có đủ 100 viên rất nhỏ, sau khi tế lễ xong, làng đem 49 viên đặt vào lòng một bông hoa sen thả xuống dòng sông để trôi về biển cả. Đặc biệt, dân làng Hát Môn không làm và không ăn bánh trôi trước ngày 6 tháng Ba




  
Hội lễ ngày 4 tháng Chín, tương truyền là ngày Hai Bà làm lễ xuất quân. Trong ngày hội có diễn múa cờ với sự tham gia của trai đinh trong làng, có đông đảo du khách trẩy hội. Hội lễ ngày 24 tháng Chạp, được tổ chức rất trang nghiêm. Đó là lễ Mộc dục (tắm tượng).  

Để chuẩn bị cho lễ Mộc dục, làng Hát Môn chọn 20 tráng đinh, vào nửa đêm ngày 23 sang ngày 24 rước tượng Hai Bà từ trong hậu cung ra nhà Dội (nhà tắm tượng). Cùng lúc đó, dân chài Hát Môn, cũng gọi là vạn Hát, sắm sửa thuyền chở lọ (hoặc bình, ang, hũ) đựng nước ra giữa sông Hồng lấy nước về nhà Dội để làm lễ. Gọi là tắm tượng nhưng người ta chỉ lau phủ bụi bặm trên tượng, rồi dùng khăn nhúng nước (có khi pha hương hoa lá thơm) để lau lần nữa. Sau cùng, rước tượng về bày thờ ở hậu cung.   

Đền Hát Môn cách Hà Nội chỉ trên 20km. Đến thăm đền Hát Môn là đến thăm một vùng mang nhiều dấu tích anh hùng của Hai Bà - hai vị nữ lưu hào kiệt, những người đã làm rạng danh cho truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam.
Read More...