Lễ Hội Đền Hai Bà Trưng - Đền Hát Môn - Phúc Thọ - Hà Nội


Từ xưa tới nay, nhân dân xã Hát Môn từ già tới trẻ, khi làng chưa dâng bánh trôi tế Hai Bà thì không ai được ăn. Đặc biệt từ sau ngày 4-9 năm trước cho đến ngày 6-3 (âm lịch) năm sau, toàn dân dù sinh sống ở làng hay đi làm ăn xa cũng đều không được ăn bánh trôi".


Đền Hát Môn - Đền Hai Bà Trưng- Phúc Thọ - Hà Nội
Đền Hát Môn - Đền Hai Bà Trưng- Phúc Thọ - Hà Nội

Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng; năm 2014 được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Địa chỉ: xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°7’46"N, 105°36’44"E; cách thị trấn Phùng chừng 8km về phía bắc. Từ Hà Nội có các xe bus 20, 20b, 20c, 216 chạy đến TT Phùng, cách Hồ Gươm khoảng 26km về phía tây.



Hát Môn nghĩa là cửa sông Hát, nơi Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đuổi thái thú Tô Định về Hán. Sau khi chiếm được các thành trì ở Lĩnh Nam, Hai Bà bèn tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ). Năm 43, vua Hán sai danh tướng Mã Viện sang xâm lược, Hai Bà mắc mưu hắn nên phải rút quân về giữ Cấm Khê, rồi nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Sau này nhân dân xã Hát Môn lập đền thờ Hai Bà ở kề chân đê.

Lễ hội

Lễ hội đền Hát Môn diễn ra mỗi năm 3 lần vào các ngày mồng 3-6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp âm lịch.

Lễ hội mồng 4 tháng Chín kỷ niệm ngày Hai Bà làm lễ xuất quân. Trong ngày này sẽ diễn trò múa cờ với sự tham gia của các trai làng. Đây là một dịp có rất đông khách thập phương trẩy hội.

Lễ hội mồng 6 tháng Ba tổ chức vào ngày hoá của Hai Bà Trưng, là lễ hội chính hằng năm. Trong ngày hội, dân làng cúng Hai Bà bằng những mâm đầy các đĩa bánh trôi [1]. Bánh trôi dâng lên phải có đủ 100 viên rất nhỏ, sau khi tế lễ xong, làng đem 49 viên đặt vào lòng một bông hoa sen thả xuống dòng sông để trôi về biển cả. Đặc biệt, dân làng Hát Môn không làm và không ăn bánh trôi trước ngày 6 tháng Ba.

Lễ hội ngày 24 tháng Chạp là lễ Mộc dục (tắm tượng) được tổ chức rất trang nghiêm. Để chuẩn bị cho lễ Mộc dục, làng Hát Môn chọn 20 tráng đinh, vào nửa đêm ngày 23 sang ngày 24 rước tượng Hai Bà từ trong hậu cung ra nhà Dội (nhà tắm tượng). Cùng lúc đó, dân chài Hát Môn, cũng gọi là vạn Hát, sắm sửa thuyền chở lọ (hoặc bình, ang, hũ) đựng nước ra giữa sông Hồng lấy nước về nhà Dội để làm lễ. Gọi là tắm tượng nhưng người ta chỉ lau phủ bụi bặm trên tượng, rồi dùng khăn nhúng nước (thường pha hương hoa, lá thơm) để lau lần nữa. Sau cùng, rước tượng về bày thờ ở hậu cung./.


Related Post

Previous
Next Post »