Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn

Xã Hát Môn là địa danh có nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị nhiều mặt. Đặc biệt có Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng nổi tiếng khắp cả nước, đã được nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Nằm trong vùng địa danh nổi tiếng đó, Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì là một trong những di tích quan trọng của địa phương. Di tích là nơi thờ tự vị danh nhân quê hương – Quận công Nguyễn Ngọc Trì.

quan cong

Các bộ chính sử không ghi chép về Nguyễn Ngọc Trì. Tuy nhiên, tại di tích hiện nay còn một số tư liệu như bia đá, sắc phong, câu đối…khả dĩ có thể cho biết một số thông tin cơ bản về nhân vật lịch sử này. Theo ghi chép trong văn bia, Nguyễn Ngọc Trì là người xã Hát Môn. Cha ông tên là Nguyễn Ngọc Hồ. Mẹ là bà Nguyễn Thị Ngọc Biên, đều là người xã Hát Môn. Văn bia không cho biết năm sinh, năm mất của Nguyễn Ngọc Trì, song dựa vào một số tình tiết trong bia, đến năm 1625, Nguyễn Ngọc Trì đã là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái giám Tham tri giám sự, tước Phúc Lộc hầu, tức là quan chức rất cao. Trên mặt bia do Nguyễn Thực Phác soạn ghi, đến năm 1631, Nguyễn Ngọc Trì đã được phong tước Quận công. Vào thời điểm này ông tuổi tác đã khá cao nên tuy không biết năm sinh, năm mất một cách cụ thể, nhưng có thể chắc chắn rằng Nguyễn Ngọc Trì sinh vào nửa sau thế kỷ XVI và mất ở nửa đầu thế kỷ XVII.

quan cong 1

Sự nghiệp chính trị của ông nổi bật nhất là vai trò của một võ tướng có huân nghiệp, từng xông pha nhiều trận, gắn với giai đoạn Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cầm quyền (1623-1657). Với tư cách là một chiến tướng, Nguyễn Ngọc Trì đã có đóng góp nhất định giúp chính quyền Lê – Trịnh đánh bại nhà Mạc, lập lại ổn định tại Bắc Hà. Do có công lao lớn đối với chính quyền Lê – Trịnh nên theo điển chế đương thời, cha ông được phong tặng là Phù Nghĩa hầu, mẹ ông được sắc tặng là Phù Nghĩa chánh phu nhân, con trai ông là Nguyễn Ngọc Điện được phong là Hoằng tín đại phu, Hạ trật.

Không chỉ có công với chính quyền Lê – Trịnh, đối với địa phương, Nguyễn Ngọc Trì cũng có nhiều ơn điển. Ông ban cấp ruộng đất với số lượng lớn cho các xã trong tổng, trùng tu các công trình chung của địa phương…vì thế ông được nhân dân địa phươnng sùng ngưỡng. Năm 1625, các họ trong xã Hát Môn gồm: Nguyễn, Trần, Dương, Đinh, Hoàng, Đặng, Vũ, Phan, Đỗ, Hạ, Kiều, Phùng cùng bàn bạc với nhau, cho là “Người xưa có công với đời, giúp dân hưng thịnh nên được thờ tự. Huống hồ ông Phúc Lộc ta là người phò giúp xã tắc, đức tưới muôn dân, do vậy đáng lập miếu đình để xuân thu bốn mùa hưởng sự báo đáp của bàn dân thiên hạ. Thế rồi bèn lập sinh từ ngay ở bản xã để phụng thờ, đăng đối với đền thờ Trưng Vương, trường tồn mãi mãi”. Việc lập sinh từ thờ Nguyễn Ngọc Trì ngay khi ông còn sống cho thấy sự sùng kính của nhân dân địa phương đối với ông. Việc này được tác giả văn bia sánh với việc Chưởng giám Địch Hoài Anh, tức Địch Nhân Kiệt, đại thần thời Đường được dân kính sùng lập đền thờ khi còn sống.

Sinh thời, quan Quận có thời gian sinh sống tại thôn Phú Mẫn, xã Nội Trà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây ngài lập thiếp là bà Nông Thị Ninh, phát triển thêm một dòng nhánh ở Nội Trà. Hiện lăng mộ quan Quận đặt tại đây, với đầy đủ hệ thống tượng chầu được tạo tác nghiên cẩn.

Phủ Quận công Nguyễn Ngọc Trì có tổng diện tích 1.072,6m2, toạ lạc trên một dải đất cao ráo, rộng thoáng phía bên hữu sông Hát, gần trụ sở UBND xã Hát Môn. Theo lời kể của các cụ cao niên, di tích vốn xưa kia là Am, được cấu trúc bằng các cột đá nguyên khối, có hình trụ tròn, thân cột có đục lỗ để gác các thanh xà ngang, dọc bằng gỗ lim tạo hệ sàn. Am cũng có mái lợp ngói xong không có tường vây. Hệ thống tượng thờ, tượng túc vệ cũng được bày biện như hiện nay. Đến thời vua Tự Đức 18 (1865), Am được xây dựng lại thành nơi thờ tự trang nghiêm, trong đó Hậu cung được xây dựng chữ Đinh. Trải qua thời gian, di tích bị xuống cấp, đến thời Bảo Đại 13 (1937), phần tường sau của Hậu cung bị xuống cấp nặng, khi trùng tu đã lược bớt phần chữ Đinh phía sau. Ngay phía sau phủ có một tượng mặt người bằng đất nung, bị vạt mất góc hàm trái, tương truyền đó là thủ cấp của một tướng giặc bị quan quân chém, từ sau năm 1996 mặt tượng này không còn nữa. Phía trước phủ có một giếng nước cổ, quanh năm nước trong mát. Phủ thờ Quận công tuy mới được phục dựng gần đây, song vẫn được làm trên nền đất cũ. Một số cấu kiện của công trình cũ như các cột đá làm trụ sàn xưa vẫn còn, nhiều viên gạch, ngói có niên đại cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII vẫn được lưu giữ. Di tích được quy hoạch khá gọn gàng, sạch đẹp, hiện không có hiện tượng lấn chiếm hay vi phạm đất đai xảy ra trong khu di tích.

Phủ Quận công hiện nay có các hạng mục công trình: Nghi môn, tả-hữu mạc, nhà phụ trợ và công trình thề tự chính gồm Tiền tế và Hậu cung hình chữ Nhị, trong đó các hạng mục Nghi môn, tả-hữu mạc, Tiền tế hiện trong tình trạng tương đối tốt; còn Hậu cung đang xuống cấp. Toàn bộ khuôn viên di tích đã được xây tường bao quanh. Bộ di vật tại Phủ Quận công Nguyễn Ngọc Trì rất phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, mang giá trị thẩm mỹ cao. Đặc biệt là hệ thống tượng đá, bia đá có niên đại đầu thế kỷ XVII. Đây là những di vật quý hiếm trên địa bàn xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung. Ngoài việc tôn thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, góp phần tôn vinh một danh nhân của quê hương.

Các tư liệu thành văn tại di tích hiện không cho biết ngày sinh, ngày hoá của Quận công, song từ xa xưa tới nay, dòng họ và dân làng vẫn lấy ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày hoá của ngài để tổ chức các nghi lễ cúng tế nghiêm cẩn. Ngoài dịp giỗ ngài Quận công vào ngày mùng 7 tháng giêng, tại di tích còn có các lễ: Giỗ thân phụ Quận công ngày 20/7 âm lịch; Giỗ thân mẫu quan Quận ngày 26/2 âm lịch; Giỗ chính thất phu nhân ngày 23/2 âm lịch; Lễ Lạc tiết giao điệt ngày 10 tháng giêng…Trong đó lễ lớn nhất trong năm là lễ ngày mùng 10 tháng giêng, gồm phần lễ tế và tổ chức hội vật. Hội vật được tổ chức để tưởng nhớ đến việc tuyển quân của quan Quận, đồng thời nêu cao tinh thần thượng võ của dân tộc. Tuy vậy, di tích vẫn được chính quyền và nhân dân xã Hát Môn quan tâm đặc biệt nên vẫn có các nghi lễ tế quan Quận hết sức trang nghiêm.

Không chỉ là một di tích tín ngưỡng, Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì còn là một địa chỉ chứa đựng nhiều giá trị khoa học. Với các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ của di tích, ngày 28/6/2016, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã quyết định xếp hạng Phủ thờ Nguyễn Ngọc Trì là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây vừa là niềm vui, niềm vinh dự, song cũng là trách nhiệm đối với nhân dân xã Hát Môn nói riêng và huyện Phúc Thọ nói chung trong việc chăm lo, bảo tồn di tích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tăng cường giao lưu văn hoá trong quá trình hội nhập quốc tế

The post Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn appeared first on Vân Cốc Quê Tôi.


Related Post

Previous
Next Post »