Giới Thiệu Về Vân Cốc FC

Trang thông tin tổng hợp của giới trẻ Vân Cốc. Nơi giao lưu của các thế hệ Vân Cốc

Mới Nhất

Học Sinh Vân Cốc Trên Đường lên đỉnh Olympia

Đường lên đỉnh Olympia là một sân chơi rất bổ ích dành cho các bạn học sinh THPT trên toàn quốc. Để có mặt trong vòng thi tuần các thí sinh đã trải qua một số cuộc thi sơ khảo. Nó cần sự nỗ lực rất phi thường của những nhà leo núi.

Vào ngày 30-08-2015 Trường THPT Vân Cốc đã có thêm cột mốc mới đó là sự tham gia vào cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của bạn Phan Thế Hùng và năm nay 31-10-2016 ( theo ngày phát sóng) Trường THPT Vân Cốc chúng ta tiếp tục có sự tham dự của bạn Nguyễn Thùy Trang . Đó là sự “may mắn và hạnh phúc rất lớn đối với em nói riêng và toàn thể các bạn học sinh Trường THPT Vân Cốc nói chung” ( trích : Nguyễn Thùy Trang  phút 9:05 clip).

Sau khi xem đến giây phút này chắc chắn rằng mọi người đều thấy vui và tự hào khi là học sinh của trường THPT Vân Cốc. Nó là khởi đầu cho những thử thách và ước mơ. Cho dù có vinh quang hay thất bại thì các bạn đã đặt những nền móng đầu tiên để cho các thế hệ học sinh Vân Cốc tiếp theo nối bước.

Xin thay mặt tất cả học sinh vân cốc xin gửi lời chúc mừng đến bạn Nguyễn Thùy Trang đã về nhất cuộc thi tuần thứ 2. Chúc em luôn mạnh khỏe và tiếp tục cố gắng giành kết quả cao trong cuộc thi quý I và tiếp cho mọi người nghe như ở phút 49:56 nhé.

Và xin chúc tất cả các bạn luôn mạnh khỏe và thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống của mình.


Read More...

Thoát nghèo nhờ nuôi bò thịt

Thoát nghèo nhờ nuôi bò thịt

Phát huy lợi thế vùng cận sông, đất đai màu mỡ, những năm qua người dân xã Thượng Cốc đã phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò thịt. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi bò, hàng trăm hộ dân trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ngày càng sung túc…

Ông Đỗ Xuân Nhũ, ở cụm 1, thôn Thượng Cốc, là người có kinh nghiệm nuôi bò gần 20 năm cho hay, bò là con vật dễ nuôi nhất bởi những đặc tính như có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, lớn nhanh. Thực tế, để chăn nuôi bò đem lại thu nhập cao thì việc lựa chọn con giống tốt và cách chăm sóc là hai yếu tố quyết định. Còn để bò chóng lớn, người chăn nuôi phải kết hợp cho bò ăn thức ăn thô với thức ăn tinh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể và giai đoạn sinh trưởng của bò. Theo ông Nhũ, trung bình một con bò giống Lai Sind trên thị trường có giá 13-15 triệu đồng, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 12 tháng xuất chuồng sẽ có giá 30-35 triệu đồng. Chỉ tay vào hai con bò đã nuôi được 6 tháng, ông Nhũ khoe: “Mới đây, thương lái vào hỏi mua với giá 28 triệu đồng/con nhưng tôi không bán. Bởi ở thời kỳ này, bò đang tuổi ăn, tuổi lớn, bán đi tiếc lắm. Để cuối năm xuất chuồng, hai con bò này cầm chắc 70 triệu đồng”.

bo-thit-24-9-16-4 bo-thit-24-9-16-5

Gia đình bà Nguyễn Thị Dự, trước đây chỉ độc canh cây lúa nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2008, được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các đoàn thể trong xã đứng ra bảo lãnh, hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng, gia đình bà đã mua 7 con bò giống Lai Sind về nuôi. “Chỉ sau 3 năm, gia đình tôi đã trả hết nợ và được công nhận thoát nghèo. Từ năm 2011 đến nay, trừ chi phí mỗi năm tôi tiết kiệm được 60-80 triệu đồng nhờ chăn nuôi bò.” – Bà Dự cho biết.

Trên đây là hai trường hợp điển hình ở xã Thượng Cốc nhờ chăn nuôi bò thịt đã mang lại thu nhập cao, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Đến nay, toàn xã Thượng Cốc có hơn 1.300 hộ dân thì có tới gần 60% số hộ chăn nuôi bò thịt, với tổng đàn bò đạt 1.600 con. Trong đó, hộ chăn nuôi nhiều là 10-15 con, hộ ít cũng 2-3 con. Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Cốc Nguyễn Văn Hiệp, nghề chăn nuôi bò thịt không chỉ đem lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm cho địa phương. Đã có hơn 300 hộ chăn nuôi bò thịt xây dựng được nhà cửa kiên cố, hiện đại từ 2 đến 4 tầng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền; đường làng, ngõ xóm, cơ sở vật chất nhà văn hòa, trường học… được nhân dân đóng góp xây dựng khang trang.       

Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay ở xã Thượng Cốc là số lượng đàn bò ngày càng gia tăng, trong khi đó các hộ chăn nuôi chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Hầu hết các hộ chăn nuôi xả thải trực tiếp vào hệ thống nước thải và kênh mương nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Trước thực trạng này, ông Hiệp kiến nghị UBND huyện Phúc Thọ và các sở, ngành của Thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi xây dựng hầm bioga xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Có như vậy, mô hình chăn nuôi bò thịt ở xã Thượng Cốc mới phát triển bền vững.

theo phuctho.hanoi.gov.vn

The post Thoát nghèo nhờ nuôi bò thịt appeared first on Vân Cốc Online.


Read More...

Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn

Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn

Xã Hát Môn là địa danh có nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị nhiều mặt. Đặc biệt có Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng nổi tiếng khắp cả nước, đã được nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Nằm trong vùng địa danh nổi tiếng đó, Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì là một trong những di tích quan trọng của địa phương. Di tích là nơi thờ tự vị danh nhân quê hương – Quận công Nguyễn Ngọc Trì.

quan cong

Các bộ chính sử không ghi chép về Nguyễn Ngọc Trì. Tuy nhiên, tại di tích hiện nay còn một số tư liệu như bia đá, sắc phong, câu đối…khả dĩ có thể cho biết một số thông tin cơ bản về nhân vật lịch sử này. Theo ghi chép trong văn bia, Nguyễn Ngọc Trì là người xã Hát Môn. Cha ông tên là Nguyễn Ngọc Hồ. Mẹ là bà Nguyễn Thị Ngọc Biên, đều là người xã Hát Môn. Văn bia không cho biết năm sinh, năm mất của Nguyễn Ngọc Trì, song dựa vào một số tình tiết trong bia, đến năm 1625, Nguyễn Ngọc Trì đã là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái giám Tham tri giám sự, tước Phúc Lộc hầu, tức là quan chức rất cao. Trên mặt bia do Nguyễn Thực Phác soạn ghi, đến năm 1631, Nguyễn Ngọc Trì đã được phong tước Quận công. Vào thời điểm này ông tuổi tác đã khá cao nên tuy không biết năm sinh, năm mất một cách cụ thể, nhưng có thể chắc chắn rằng Nguyễn Ngọc Trì sinh vào nửa sau thế kỷ XVI và mất ở nửa đầu thế kỷ XVII.

quan cong 1

Sự nghiệp chính trị của ông nổi bật nhất là vai trò của một võ tướng có huân nghiệp, từng xông pha nhiều trận, gắn với giai đoạn Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cầm quyền (1623-1657). Với tư cách là một chiến tướng, Nguyễn Ngọc Trì đã có đóng góp nhất định giúp chính quyền Lê – Trịnh đánh bại nhà Mạc, lập lại ổn định tại Bắc Hà. Do có công lao lớn đối với chính quyền Lê – Trịnh nên theo điển chế đương thời, cha ông được phong tặng là Phù Nghĩa hầu, mẹ ông được sắc tặng là Phù Nghĩa chánh phu nhân, con trai ông là Nguyễn Ngọc Điện được phong là Hoằng tín đại phu, Hạ trật.

Không chỉ có công với chính quyền Lê – Trịnh, đối với địa phương, Nguyễn Ngọc Trì cũng có nhiều ơn điển. Ông ban cấp ruộng đất với số lượng lớn cho các xã trong tổng, trùng tu các công trình chung của địa phương…vì thế ông được nhân dân địa phươnng sùng ngưỡng. Năm 1625, các họ trong xã Hát Môn gồm: Nguyễn, Trần, Dương, Đinh, Hoàng, Đặng, Vũ, Phan, Đỗ, Hạ, Kiều, Phùng cùng bàn bạc với nhau, cho là “Người xưa có công với đời, giúp dân hưng thịnh nên được thờ tự. Huống hồ ông Phúc Lộc ta là người phò giúp xã tắc, đức tưới muôn dân, do vậy đáng lập miếu đình để xuân thu bốn mùa hưởng sự báo đáp của bàn dân thiên hạ. Thế rồi bèn lập sinh từ ngay ở bản xã để phụng thờ, đăng đối với đền thờ Trưng Vương, trường tồn mãi mãi”. Việc lập sinh từ thờ Nguyễn Ngọc Trì ngay khi ông còn sống cho thấy sự sùng kính của nhân dân địa phương đối với ông. Việc này được tác giả văn bia sánh với việc Chưởng giám Địch Hoài Anh, tức Địch Nhân Kiệt, đại thần thời Đường được dân kính sùng lập đền thờ khi còn sống.

Sinh thời, quan Quận có thời gian sinh sống tại thôn Phú Mẫn, xã Nội Trà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây ngài lập thiếp là bà Nông Thị Ninh, phát triển thêm một dòng nhánh ở Nội Trà. Hiện lăng mộ quan Quận đặt tại đây, với đầy đủ hệ thống tượng chầu được tạo tác nghiên cẩn.

Phủ Quận công Nguyễn Ngọc Trì có tổng diện tích 1.072,6m2, toạ lạc trên một dải đất cao ráo, rộng thoáng phía bên hữu sông Hát, gần trụ sở UBND xã Hát Môn. Theo lời kể của các cụ cao niên, di tích vốn xưa kia là Am, được cấu trúc bằng các cột đá nguyên khối, có hình trụ tròn, thân cột có đục lỗ để gác các thanh xà ngang, dọc bằng gỗ lim tạo hệ sàn. Am cũng có mái lợp ngói xong không có tường vây. Hệ thống tượng thờ, tượng túc vệ cũng được bày biện như hiện nay. Đến thời vua Tự Đức 18 (1865), Am được xây dựng lại thành nơi thờ tự trang nghiêm, trong đó Hậu cung được xây dựng chữ Đinh. Trải qua thời gian, di tích bị xuống cấp, đến thời Bảo Đại 13 (1937), phần tường sau của Hậu cung bị xuống cấp nặng, khi trùng tu đã lược bớt phần chữ Đinh phía sau. Ngay phía sau phủ có một tượng mặt người bằng đất nung, bị vạt mất góc hàm trái, tương truyền đó là thủ cấp của một tướng giặc bị quan quân chém, từ sau năm 1996 mặt tượng này không còn nữa. Phía trước phủ có một giếng nước cổ, quanh năm nước trong mát. Phủ thờ Quận công tuy mới được phục dựng gần đây, song vẫn được làm trên nền đất cũ. Một số cấu kiện của công trình cũ như các cột đá làm trụ sàn xưa vẫn còn, nhiều viên gạch, ngói có niên đại cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII vẫn được lưu giữ. Di tích được quy hoạch khá gọn gàng, sạch đẹp, hiện không có hiện tượng lấn chiếm hay vi phạm đất đai xảy ra trong khu di tích.

Phủ Quận công hiện nay có các hạng mục công trình: Nghi môn, tả-hữu mạc, nhà phụ trợ và công trình thề tự chính gồm Tiền tế và Hậu cung hình chữ Nhị, trong đó các hạng mục Nghi môn, tả-hữu mạc, Tiền tế hiện trong tình trạng tương đối tốt; còn Hậu cung đang xuống cấp. Toàn bộ khuôn viên di tích đã được xây tường bao quanh. Bộ di vật tại Phủ Quận công Nguyễn Ngọc Trì rất phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, mang giá trị thẩm mỹ cao. Đặc biệt là hệ thống tượng đá, bia đá có niên đại đầu thế kỷ XVII. Đây là những di vật quý hiếm trên địa bàn xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung. Ngoài việc tôn thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, góp phần tôn vinh một danh nhân của quê hương.

Các tư liệu thành văn tại di tích hiện không cho biết ngày sinh, ngày hoá của Quận công, song từ xa xưa tới nay, dòng họ và dân làng vẫn lấy ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày hoá của ngài để tổ chức các nghi lễ cúng tế nghiêm cẩn. Ngoài dịp giỗ ngài Quận công vào ngày mùng 7 tháng giêng, tại di tích còn có các lễ: Giỗ thân phụ Quận công ngày 20/7 âm lịch; Giỗ thân mẫu quan Quận ngày 26/2 âm lịch; Giỗ chính thất phu nhân ngày 23/2 âm lịch; Lễ Lạc tiết giao điệt ngày 10 tháng giêng…Trong đó lễ lớn nhất trong năm là lễ ngày mùng 10 tháng giêng, gồm phần lễ tế và tổ chức hội vật. Hội vật được tổ chức để tưởng nhớ đến việc tuyển quân của quan Quận, đồng thời nêu cao tinh thần thượng võ của dân tộc. Tuy vậy, di tích vẫn được chính quyền và nhân dân xã Hát Môn quan tâm đặc biệt nên vẫn có các nghi lễ tế quan Quận hết sức trang nghiêm.

Không chỉ là một di tích tín ngưỡng, Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì còn là một địa chỉ chứa đựng nhiều giá trị khoa học. Với các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ của di tích, ngày 28/6/2016, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã quyết định xếp hạng Phủ thờ Nguyễn Ngọc Trì là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây vừa là niềm vui, niềm vinh dự, song cũng là trách nhiệm đối với nhân dân xã Hát Môn nói riêng và huyện Phúc Thọ nói chung trong việc chăm lo, bảo tồn di tích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tăng cường giao lưu văn hoá trong quá trình hội nhập quốc tế

The post Phủ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì – Xã Hát Môn appeared first on Vân Cốc Quê Tôi.


Read More...

Tấm áo mưa của mẹ

Tấm áo mưa của mẹ

Mùa mưa là mùa vui nhất trong năm, tôi thích cái cảm giác nằm trong nhà tôn nghe nước mưa rơi ào ào trên mái và tiếng gió rít luồn qua những bờ tường loang lỗ; các chị tôi thường ví nó như những tiếng kêu gào của tự nhiên. Mùa mưa cũng là mùa khổ nhất của đám trẻ tới trường như tôi. Sau những cơn mưa, con đường đất đỏ không còn những cơn bụi mịt mù sau những chuyến xe qua mà là con đường dính đầy đất đỏ. Đất đỏ dính đầy vào dép khiến chúng tôi chẳng thể nào nhấc chân lên khỏi mặt đất, đứa nào cũng tay cầm dép tay kéo áo mưa để khỏi mưa bay ướt cặp.

Những ngày mưa đó, tôi vội nhét sách vở vào cặp và cho vào cái áo sơ mi trắng rộng thùng thình của chị tôi và chạy. Thay vì được mặc những bộ quần áo mưa nhiều màu như của bạn bè đồng trang lứa, trên tay tôi chỉ là một mảnh nilon nhỏ, nhàu nát một màu vàng. Và cứ thế, những chiều mưa ấy tôi lại một mình cầm chiếc áo mưa, cột chặt ở cổ rồi chạy…chạy như ma đuổi.

Nhưng rồi, cũng có nhiều hôm mưa vào lúc tôi chuẩn bị đến trường đi học. Mưa làm ngả nghiêng những cây cối hai bên đường, cỏ rạp xuống và nước chảy ào ào. Tôi lại một mình lội mưa trên con đường nhầy nhụa đất đỏ dính, một tay cầm cặp, một tay cố ghì lấy mình khỏi những giọt nước mưa “cứng đầu” đang cố len lỏi qua những lỗ thủng nhỏ trên áo mưa. Cũng có nhiều hôm, sách vở bị lấm lem mực; chữ trang này nhảy qua trang kia, những lúc ấy tôi lại khóc thật nhiều, phần sợ bị mắng phần buồn vì công sức chép bài mỗi ngày.

Những ngày mưa đó, tôi nhìn thấy bạn bè được ba mẹ chở đi và những chiếc áo mưa nhiều màu sắc lại khiến tôi thêm buồn hơn. Tôi nhìn lại chiếc áo mưa của mình, tôi lại càng tủi thân. Gọi là áo mưa cho “oai” thế thôi nhưng thực ra đó chỉ là một tấm nilon lớn mẹ tôi cắt ra từ những bao phân bón. Sau khi giặt sạch, mẹ phơi lên và gấp ngay ngắn cho tôi và mẹ gọi đó là “áo mưa”. Những buổi chiều mưa ấy, nước mắt tôi đã hóa vào những giọt mưa và trôi theo những dòng nước; tôi buồn và tủi thân. Tôi muốn được mẹ chở đi học, tôi muốn được một chiếc áo mưa màu tím…tôi muốn…

Những ngày mưa đó, tôi cảm thấy sao số mình thật xui xẻo, tại sao nhà tôi lại nghèo như vậy, tại sao mẹ tôi không cho tôi được một cuộc sống hạnh phúc như bao người khác.

Nhưng cũng sau những ngày mưa đó, tôi lại thấy thương mẹ nhiều hơn. Mỗi khi trời mưa, mẹ tôi lại phải gồng mình chạy trốn những cơn mưa, mẹ phải loay hoay cất những bao bắp trên hiên để không bị ẩm, mẹ phải cất những bó củi khô để có cái nấu cơm. Và cũng trong những buổi chiều đó, mẹ lại phải chạy vạy đi mượn vài ba lon gạo để nấu cơm cho lũ chúng tôi. Chiều mưa, mẹ chỉ mặc lên mình vỏn vẹn chiếc áo mưa cũ tôi đã bỏ, mẹ nói “vẫn còn dùng được”. Chiếc áo mưa bay phất phơ trong trời mưa, từng giọt nước rơi xuống xuyên qua những lỗ hổng trong áo mưa của mẹ, từng giọt, từng giọt…..

The post Tấm áo mưa của mẹ appeared first on Vân Cốc Quê Tôi.


Read More...

Tản mạn về sự học ngày nay

Tản mạn về sự học ngày nay

Trong khi hằng năm có hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp Đại học ra trường mà không thể tìm được việc làm, trong khi cả nhà phải tìm đủ cách xoay sở cho họ có đủ tiền theo học 4 năm tại trường Đại học, số tiền tiêu tốn cho họ lên tới vài trăm triệu đồng. Đổi lại họ nhận được tấm bằng Đại học, về không làm được gì chỉ còn cách cất vào ngăn tủ. Rũ bỏ những năm tháng nhọc nhằn đèn sách với bao áp lực, giờ tự nguyện đi làm thuê cho những chủ xưởng mà nhiều khi chính là bạn bè cùng trang lứa với mình, bởi học hành yếu kém không thể vào Đại học, họ chọn con đường lập nghiệp ngay sau khi rời ghế nhà trường phổ thông để rồi chỉ sau một vài năm họ trở thành những ” ông chủ lớn, ông chủ nhỏ” và họ bỏ tiền ra thuê những cử nhân bằng đỏ, bằng xanh về làm thuê cho họ với mức lương cũng bèo bọt tầm 2 – 3 triệu/ tháng. Đến lúc này các vị cử nhân mới ớ ra vì mình đã quá tin vào sự hào nhoáng của những tấm bằng cử nhân do các trường Đại học cấp. Và họ đau xót nhận ra rằng đó chỉ là thói háo danh vốn là bản tính của người Việt ta, đã được di truyền và thắm vào máu của người Việt bao đời qua rồi, khiến họ lâm vào hoàn cảnh “túi rỗng nợ nần như chúa Chổm” do việc phải bỏ ra một núi tiền nuôi mấy ông thầy Đại học. Giờ cầm tấm bằng mới tinh đó bỏ vô tủ và khóa kỹ lại, trong đầu họ vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại gương mặt phởn phơ của các thầy cô ở trường Đại học sau các kỳ thi. Thầy cười, trò khóc!

Đó là nỗi ám ảnh mỗi khi tiền hết điện về nhà xin bố mẹ và nhận được những câu than vãn, thở dài của bố mẹ “Ôi sao nhanh thế?! Tiền vừa gửi tiêu gì mà hết nhanh vậy? Bố mẹ biết đào đâu ra cần ấy tiền ngay bây giờ?!”…Ôi đời sinh viên trên đe, dưới búa muôn ngàn hiểm họa, tai ương!? Và giờ đây về làm thuê ngay cho thằng bạn xưa ngồi cùng bàn, giờ kiểm tra nào nó cũng hau háu chờ mình cho xem bài…ơn đâu chẳng thấy, giờ về nó phân chia ngôi thứ rõ rệt : Chủ – thợ, nhất nhất phải cúi đầu tuân theo ý chủ thậm chí còn phải nói những lời “có cánh” để làm đẹp lòng chủ nếu không muốn bị xa thải! Chuyện bát cơm manh áo ai dám đùa!? Thôi thì cũng liều nhắm mắt dưa chân chứ còn biết làm sao?! Đó là những lời thở than khi tôi gặp mấy cô cậu vừa tốt nghiệp Đại học ở làng tôi. Nghe mà xót xa, não nề. Những người nông dân quê nghèo, tảo tần một nắng hai sương với mong ước cho con mình một sự nghiệp, một cuộc đổi đời bằng tri thức! Nghe thì ngọt, mà sao nó làm xương cốt người nông dân cứ loãng mãi ra khi đeo đuổi sự nghiệp cho con! Ngày con tốt nghiệp ra trường, cứ ngỡ đó sẽ là ngày con vinh quy bái tổ! Nào ngờ vui đâu chả thấy, chỉ thấy nó mang về cho những ông bố, bà mẹ một núi tiền nợ khổng lồ mà mấy ông ngân hàng chính sách tháng nào cũng nhắn tin báo nợ…kèm theo là những lời dọa dẫm sẽ xử phạt nếu chậm trả!

Tôi cũng đã từng nuôi các con ăn học Đại học, tôi rất hiểu tâm trạng cũng như những kỳ vọng của cha mẹ đặt niềm tin vào nhưng đứa con của mình. Lẽ thường cha mẹ nào không thương con ? Ai chẳng muốn tương lai của con sẽ sẽ tốt đẹp hơn cha mẹ để có cuộc sống ổn định hơn, và đó cũng là làm cho cha mẹ thêm nở mày, nở mặt với họ hàng, làng xóm…Vì vậy ai cũng hết lòng nuôi con ăn học, Nhưng nghịch lý là ở chỗ càng học thì gia đình càng sa sút, càng học thì tương lai của con cái càng trở nên mờ mịt, xa vời! Sự học giờ đây nó không còn tương xứng với khả năng thật của người học nữa mà nó bị xã hội chi phối phần lớn. Rồi nạn học giả bằng thật, chuyện mua bán, đổi chác ngôi thứ trở thành vấn nạn thì những người học thật càng gặp rất nhiều khó khăn. Người nghèo đi học càng thêm vất vả. Mà học xong rồi cũng không thể tìm đâu ra hàng mấy trăm triệu để xin việc được? (số tiền này hoàn toàn là dấm dúi, chui lủi cửa sau cho các quan sếp chứ đâu có được công khai, vì thực tế nhà nước không hề thu tiền xin việc.)

Vậy học để đổi đời hay học để cho đời nghèo thêm? Đây là một câu hỏi thực tế mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trong khi kỳ thi Đại học cũng đang tới gần, xin có đôi điều chia sẻ để các bạn trẻ cùng suy ngẫm để có sự lựa chọn sáng suốt cho bản thân! Đừng tin vào những lời quảng cáo, tuyên truyền của ai cả, mà hãy tin vào khả năng của mình. Chọn một con đường lập nghiệp theo đúng khả năng, đúng sở trường của mình thì dù ngành nghề gì đi chăng nữa chúng ta vẫn có thể đạt được vinh quang trong tương lai! Hạnh phúc không từ trên trời rời xuống, mà nó là sự nỗ lực, kiên trì phấn đấu của bản thân mỗi người!

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người với khả năng và trình độ rất hạn chế, họ chỉ học hết trung học cơ sở vậy mà họ lập nghiệp rất thành công, tìm hiểu những trường hợp như vậy tôi nhận thấy hầu hết họ là những người nghèo, nhưng có lòng ham mê với nghề mình chọn, và chính sự ham mê đó đã giúp họ thành công trên con đường lập nghiệp của mình. Như vậy họ chỉ phải chịu một lần khó khăn duy nhất trong đời đó là lập nghiệp. Khác với những người có bằng Đại học, họ phải hai lần vượt qua những khó khăn, thứ nhất là vượt qua chặng đường dài học tập mà không ít người do hoàn cảnh đã phải dã từ mơ ước của mình. Khó khăn thứ hai họ phải trải qua cũng chính là tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, nhiều người ra trường xin được vào làm hợp đồng cho một cơ quan nào đó, thời hạn hợp đồng có thể kéo dài 3 năm, 5 năm, thậm trí cả 10 năm mà vẫn không được tuyển vào biên chế. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã bị hạn chế rất nhiều về chuyên môn, thậm trí để có việc làm, hiện nay theo ước tính có tới 70% sinh viên ra trường phải làm trái với ngành nghề được đào tạo, điều này cũng lý giải vì sao bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh mà hiệu suất lao động không cao. Bên cạnh đó là hàng loạt những đãi ngộ người lao động hợp đồng không được hưởng như lương không được tăng, các khoản thu nhập khác ngoài lương dường như không có, trong khi họ phải gồng gánh rất nhiều công việc lặt vặt khác của cơ quan, đơn vị ngoài chuyên môn chính của mình như các hoạt động công đoàn, đoàn thể, những chức danh “có tiếng mà không có miếng”. Những thanh niên như vậy họ nhìn tương lai rất mờ mịt và không thấy tiền đồ!

Nghịch lý của sự học ngày nay đang là một nỗi lo lớn trong toàn xã hội. Chính vì vậy những bậc cha mẹ cũng như các em học sinh hãy chủ động tìm kiếm và xác định cho mình một hướng đi tích cực theo năng lực bản thân, tránh học nhiều, học cao mà không thể tự tạo việc làm cho bản thân. Ngành nghề hiện rất nhiều, chúng ta đang bước vào hội nhập TPP chắc chắn sự lựa chọn nghề nghiệp thích hợp sẽ là cơ hội tốt cho mỗi người phát huy hết được khả năng của mình trong công việc và như vậy ta có thể sẽ đạt được mục đích của mình. Cần tránh lối suy nghĩ viển vông, xa rời thực tế, có thế ta mới tránh được sự lãng phí tiền bạc và những hệ lụy đáng tiếc do học hành mang tới! Biết chọn lựa đúng cũng là một nét văn hóa của những người thức thời hiện nay.

Bùi Nhật Lai

The post Tản mạn về sự học ngày nay appeared first on Vân Cốc Quê Tôi.


Read More...

Sự tích ngày rằm tháng Bảy

Sự tích ngày rằm tháng Bảy

Khi nghe đến rằm tháng bảy, lễ vu lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân hay tháng cô hồn bạn sẽ liên tưởng đến những sự việc liên quan mà bạn từng được biết đến, nhưng bạn biết vì sao lại có những cái tên như vậy không. Vân Cốc FC sẽ cùng bạn tìm hiểu về những ngày lễ ý nghĩa này.

vu lan bao hieu

Tháng 7 âm lịch, người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử thường gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. ngày này người xưa quan niệm cửa địa ngục sẽ được mở ra và vong linh sẽ được tự do về thăm nhà được hưởng đồ cúng, còn gọi là ngày cúng cô hồn.

Tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang – Chức Nữ.

Xuất xứ lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Sự tích ngày xá tội vong nhân

Sự tích lễ cúng cô hồn như sau: Cứ theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh” mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”.

A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu : “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.

Nhưng lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.

Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ

Thuở xưa, có vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng thượng đế giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên ra ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hoá thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu(thông thường vào tháng Bảy âm lịch) và gọi họ là ông Ngâu bà Ngâu. Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Các phường thợ mộc mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai. Kẻ muốn làm kiểu này, người muốn làm kiểu kia, cãi nhau chí chóe. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Bị hoá làm quạ, các phường thợ mộc lại càng giận nhau hơn. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.

The post Sự tích ngày rằm tháng Bảy appeared first on Vân Cốc FC.


Read More...

Mùa Mưa Bão

Mùa Mưa Bão

Tôi vẫn nhớ, hồi nhỏ, sau mỗi trận mưa rào tháng bảy, con đường nhỏ từ ngoài đường cái vào nhà tôi ngập đến đầu gối. Sớm hôm sau, lũ trẻ chúng tôi thích thú hò hét nhau dậy để ra đường bắt cá, lội nước nghịch.

Nước từ phía thượng nguồn đổ về, màu đỏ oạch, trôi theo đầy rác rưởi. Những trận mưa to như thế này, phần lớn những nhà có ao cá trong làng đều bị ngập, cá theo đó bị trôi ra ngoài vô số. Cầm mấy chiếc cần câu nhỏ xíu, chúng tôi lao ra cùng tụi trẻ trong xóm để câu cá, ếch, nhái. Đứa thì mặc quần sóc, đứa thì quần thâm vẻn cao, lấy dây chuối buộc cho khỏi tuột để lội, khi thích chí còn đùa nhau té nước ướt sũng. Hai bên đường, từng vạt lúa chìm nghỉm. Chúng tôi cười sảng khoái, những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên mà không biết rằng cha mẹ ở nhà đang nẫu ruột, nẫu gan nhìn mấy sào lúa cấy chưa đầy tháng ngập trong màn nước trắng xóa. Lũ trẻ chúng tôi cũng chẳng hề thắc mắc khi cả tuần mưa, nhà chỉ ăn lạc rang với mắm, thịnh soạn hơn là bát tương đánh trứng gà hấp vào nồi cơm mà không hề có một đĩa rau, bát canh như thông thường. Mưa to, mưa liên tục như thế, cả bãi rau muống đã ngập úng, dàn bí xanh mẹ trồng hôm nào gần nhà còn ra hoa vàng chi chít giờ cũng đổ xiêu vẹo và dần bị chết rút.

Mùa mưa bão, nước mắt con trẻ tôi sợ hãi hòa cùng nước mưa khi ba mẹ con trong căn nhà cấp bốn chật vật chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia lấy xô, chậu hứng cho khỏi dột, lúc sấm to, tôi co ro nép vào người mẹ. Ngôi nhà xây dựng gần 30 năm chỉ bằng tường cay, mái ngói lâu năm mục hai bên xô như một bà cụ cao tuổi răng rụng gần hết. Cứ mỗi độ mưa to, mẹ mắc màn vội rồi giục tôi trèo lên giường nằm và nhắm mắt thật kỹ. Trong tâm trí tôi, lúc đó chỉ nghĩ mẹ dặn phải làm theo nếu không ông “sấm ù” nổ thì sợ lắm. Nhưng thực ra là vì mưa, gió thốc mạnh, mái ngói xô lệch làm bụi rơi đầy xuống nhà. Hôm sau, mẹ và chị Hai lại dậy sớm, lau trên bàn thờ, quét dọn nhà cửa, rũ chăn màn ra cho hết những bụi ngói rơi xuống từ đêm trước.

Mùa mưa còn kéo dài cả tháng 9, 10 âm lịch, khi lúa hè thu được thu hoạch. Nhà tôi khi ấy cấy gần một mẫu ruộng. Mẹ gặt được gần 2 sào thì gặp những trận mưa như trút nước. Đêm, tôi thấy mẹ đi ra, đi vào áng chừng sốt ruột lắm. “Xin ông trời, ông thương chúng con mà cho mưa ngớt đi”, mẹ lẩm bẩm. Sớm hôm sau, khi tôi vẫn còn ngái ngủ thì mẹ đã ở ngoài đồng. Mẹ đội nón, mặc chiếc áo mưa bộ đội, thắt lưng bó rơm nếp để ra đồng “dựng” những khoảng lúa qua trận mưa bão bị đổ ẹp xuống, buộc túm thành từng bó. Xong những phần lúa còn xanh, mẹ vội vàng sang những khu ruộng lúa đã chín ngả màu vàng, gặt đua với mưa. Chị Hai lúc đó vào cuối tuần được nghỉ học cũng cùng mẹ ra đồng cắt lúa. May là vẫn có hôm trời tạnh ráo, chúng tôi cùng mẹ nhanh chóng suốt chỗ lúa chín được gặt về. Nhìn chị Hai thân hình nhỏ nhắn cùng mẹ hết sức đạp chiếc máy tuốt lúa tôi còn thích thú lanh chanh ra đòi mẹ cho làm cùng.

Thóc vừa suốt xong, chưa kịp hong khô thì lại gặp những trận mưa xối xả. Căn nhà nhỏ của tôi trở thành nơi trải thóc để phơi. Mẹ chỉ để đúng một lối nhỏ từ ngoài cửa đi vào giường ngủ, còn mọi chỗ để đổ thóc. Mấy chiếc quạt cây được sử dụng triệt để cả ngày đêm để hong thóc. Vậy nhưng vẫn không ngăn được số thóc lên mậm trắng. Có lần, nhìn mẹ lấy chiếc cào liên tục đảo thóc, rồi lại bỏ cào xuống, lấy tay vốc từng vốc thóc nóng, ẩm ướt lên phía trước quạt, nước mắt ngân ngấn, tôi thương mẹ quá. Năm học mới sắp đến rồi, tiền đóng học, tiền đồng phục… và đủ thứ tiền khác đang trông chờ chỉ vào những hạt thóc này.

Đêm nay, trời cũng mưa tầm tã. Mỗi lần sấm chớp liên hồi, cậu con trai tôi lại giật mình thon thót, nép vào lòng mẹ. Tự dưng tôi thấy khó ngủ và nhớ về mẹ. Căn nhà cấp bốn của mẹ đã được sửa sang lại chắc chắn từ mấy năm nay. Từ giờ mưa to, gió lớn, cứ đóng kín cửa, mẹ sẽ chẳng phải lo chạy đôn chạy đáo lấy xô chậu hứng nước mưa dột từ trên xuống. Duy chỉ có điều, trong căn nhà nhỏ có chút khang trang nay một mình mẹ vẫn nằm thui thủi. Không biết, mẹ có yên giấc hay đang thao thức, lo lắng cho chúng tôi.

Linh Lan

The post Mùa Mưa Bão appeared first on Vân Cốc FC.


Read More...

Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi

Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi

Nằm uốn mình bên hữu ngạn sông Hồng, thuộc dải đất phía Bắc của huyện Phúc Thọ, Vân Nam là một vùng đất bãi với nền kinh tế thuần nông từ xưa cho đến nay. Cách đây 20 năm, ngôi trường cấp III Vân Cốc ra đời như một mốc son đối với vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống văn hóa này.

Trường được thành lập vào tháng 8 năm 1992. Bốn năm đầu ghép chung với trường THCS Vân Nam – Phúc Thọ – Hà Tây (cũ) với tên gọi trường cấp II – III Vân Cốc. Năm học đầu tiên có 103 học sinh khối THPT, chia thành 3 lớp. Đến năm 1996, trường được tách ra thành một trường độc lập : Trường cấp III Vân Cốc với 15 lớp, 892 học sinh và 25 giáo viên.
Buổi đầu thành lập, thầy và trò nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn: thiếu giáo viên dạy, thiếu phòng học và các điều kiện học tập khác. Cảm thông với nguyện vọng của nhân dân nơi đây, mong muốn có một ngôi trường cấp III để con em không phải đạp xe hay trọ học hơn chục cây số tại các trường khác trong huyện, những người thầy đầu tiên của mái trường quyết tâm: dù khó khăn đến đâu cũng phải xây dựng nhà trường vững mạnh và phát triển.
Công cuộc củng cố được xác định với ba mục tiêu trọng yếu : Xây dựng đội ngũ giáo viên đầy đủ và có chất lượng; xây dựng lực lượng học sinh đông đảo với chất lượng học tập và rèn luyện đạo đức tốt; xây dựng cơ sở vật chất nhà trường đầy đủ để đảm bảo yêu cầu giảng dạy và học tập.
Sau hai mươi năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng, đến nay, trường THPT Vân Cốc đã vượt lên vững vàng, ngày càng phát triển và trưởng thành.
Hai mươi năm qua, nhà trường đã đón nhận hơn một trăm lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các vùng trong thành phố về công tác tại trường. Ai đã từng công tác hay đặt chân tới trường THPT Vân Cốc, đều nhận ra một điều, địa bàn nơi trường đóng là một vùng dân cư cho đến nay vẫn còn nghèo và lạc hậu. Bốn phía xung quanh trường quanh năm trồng toàn lúa, ngô, đỗ, lạc, không có một nhà máy, một cơ sở sản xuất có quy mô nào được đặt ở đây. Đa phần người dân sống và nuôi con ăn học bằng nghề trồng trọt hoặc chạy chợ khuya sớm. Vì thế, hơn 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại trường đều là những người dám chấp chận khó khăn, gian khổ để gắn bó với nhà trường, với học trò. Lời dặn dò của chủ tịch Hồ Chí Minh : “Dù khó khăn đến đâu cùng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” thật có ý nghĩa với thầy và trò trường THPT Vân Cốc

Trong dòng chảy không ngơi nghỉ của sự nghiệp phát triển, tính đến nay ( 2012)  nhà trường đã đào tạo được hơn 6000 học sinh tốt nghiệp, 17 khóa học sinh ra trường hiện đang công tác, lao động và học tập ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành kĩ sư, các nhà khoa học, bác sĩ, nhà lãnh đạo trẻ, nhà quản lí, là sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt có nhiều học trò đã trở thành giáo viên và trở về công tác tại trường, đóng góp vào sự nghiệp trồng người cùng các thế hệ đi trước. Nhân cách, đạo đức, tài năng của học trò chính là cái đích để con thuyền giáo dục vươn tới, vì thế, sự thành đạt của các thế hệ học trò là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn động viên đối với đội ngũ các thầy cô trong mỗi năm qua.
Trong thời kì đổi mới hiện nay, trường THPT Vân Cốc vẫn đang tiếp tục được đầu tư về cơ sở vật chất với quy mô lớn. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học từng bước được trang bị đầy đủ. Cùng với đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết với nghề thì sự quan tâm đó của thành phố và của Sở Giáo dục và Đào tạo đã góp phần quan trọng tạo nên chất lượng giáo dục ngày càng cao của nhà trường. Bình quân mỗi năm học, số lượng học sinh tốt nghiệp đạt tỉ lệ 98%; học sinh đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng đạt 60%, đã có học sinh đỗ thủ khoa trường Đại học thuộc tốp đầu của cả nước; học sinh khá và giỏi đạt 45%.
Không chỉ coi trọng việc nâng cao chất lượng dạy và học, cấp Ủy, Ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường còn rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, phẩm chất học sinh, giúp các em hoàn thiện nhân cách trước khi bước vào cuộc sống. Bình quân hằng năm, hạnh kiểm tốt của học sinh đạt tỉ lệ trên dưới 70%, loại khá đạt 23 %. Đáng ghi nhận là từ trước cho đến nay trường không có hiện tượng học sinh mắc các tệ nạn xã hội.
Học đi đôi với hành, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, nhà trường còn tổ chức cho học sinh học nghề phổ thông như nghề điện, nghề vườn. Ngoài ra, thầy và trò còn được tham gia đầy đủ các hoạt động do Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương phát động, tổ chức như : thi giáo viên dạy giỏi, thi học sinh giỏi, hoạt động thể dục – thể thao, các phong trào văn hóa – văn nghệ, phong trào đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động xã hội khác với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục và đào tạo ra những thế hệ học trò vừa có tri thức văn hóa, có đạo đức, vừa năng động, tự chủ và sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của xã hội trong thời kì mới.
Đạt được những kết quả trên, hoàn thành được nhiệm vụ giáo dục trong những năm gần đây không chỉ là sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò mà còn có một phần từ sự thực hiện nghiêm túc những chủ trương, đường lối mà Đảng ủy, UBND huyện, Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn trong đó có cuộc vận động “Hai không” với 6 nội dung cùng các phong trào thi đua như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. …

 

Với sức vóc của tuổi xuân, phát huy truyền thống của quê hương Phúc Thọ, trường THPT Vân Cốc sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực dồi dào cho quê hương, đất nước.

 

The post Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi appeared first on Vân Cốc FC.


Read More...