Giới Thiệu Về Vân Cốc FC

Trang thông tin tổng hợp của giới trẻ Vân Cốc. Nơi giao lưu của các thế hệ Vân Cốc

Hiển thị các bài đăng có nhãn trường vân cốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn trường vân cốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Học Sinh Vân Cốc Trên Đường lên đỉnh Olympia

Đường lên đỉnh Olympia là một sân chơi rất bổ ích dành cho các bạn học sinh THPT trên toàn quốc. Để có mặt trong vòng thi tuần các thí sinh đã trải qua một số cuộc thi sơ khảo. Nó cần sự nỗ lực rất phi thường của những nhà leo núi.

Vào ngày 30-08-2015 Trường THPT Vân Cốc đã có thêm cột mốc mới đó là sự tham gia vào cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của bạn Phan Thế Hùng và năm nay 31-10-2016 ( theo ngày phát sóng) Trường THPT Vân Cốc chúng ta tiếp tục có sự tham dự của bạn Nguyễn Thùy Trang . Đó là sự “may mắn và hạnh phúc rất lớn đối với em nói riêng và toàn thể các bạn học sinh Trường THPT Vân Cốc nói chung” ( trích : Nguyễn Thùy Trang  phút 9:05 clip).

Sau khi xem đến giây phút này chắc chắn rằng mọi người đều thấy vui và tự hào khi là học sinh của trường THPT Vân Cốc. Nó là khởi đầu cho những thử thách và ước mơ. Cho dù có vinh quang hay thất bại thì các bạn đã đặt những nền móng đầu tiên để cho các thế hệ học sinh Vân Cốc tiếp theo nối bước.

Xin thay mặt tất cả học sinh vân cốc xin gửi lời chúc mừng đến bạn Nguyễn Thùy Trang đã về nhất cuộc thi tuần thứ 2. Chúc em luôn mạnh khỏe và tiếp tục cố gắng giành kết quả cao trong cuộc thi quý I và tiếp cho mọi người nghe như ở phút 49:56 nhé.

Và xin chúc tất cả các bạn luôn mạnh khỏe và thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống của mình.


Read More...

Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi

Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi

Nằm uốn mình bên hữu ngạn sông Hồng, thuộc dải đất phía Bắc của huyện Phúc Thọ, Vân Nam là một vùng đất bãi với nền kinh tế thuần nông từ xưa cho đến nay. Cách đây 20 năm, ngôi trường cấp III Vân Cốc ra đời như một mốc son đối với vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống văn hóa này.

Trường được thành lập vào tháng 8 năm 1992. Bốn năm đầu ghép chung với trường THCS Vân Nam – Phúc Thọ – Hà Tây (cũ) với tên gọi trường cấp II – III Vân Cốc. Năm học đầu tiên có 103 học sinh khối THPT, chia thành 3 lớp. Đến năm 1996, trường được tách ra thành một trường độc lập : Trường cấp III Vân Cốc với 15 lớp, 892 học sinh và 25 giáo viên.
Buổi đầu thành lập, thầy và trò nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn: thiếu giáo viên dạy, thiếu phòng học và các điều kiện học tập khác. Cảm thông với nguyện vọng của nhân dân nơi đây, mong muốn có một ngôi trường cấp III để con em không phải đạp xe hay trọ học hơn chục cây số tại các trường khác trong huyện, những người thầy đầu tiên của mái trường quyết tâm: dù khó khăn đến đâu cũng phải xây dựng nhà trường vững mạnh và phát triển.
Công cuộc củng cố được xác định với ba mục tiêu trọng yếu : Xây dựng đội ngũ giáo viên đầy đủ và có chất lượng; xây dựng lực lượng học sinh đông đảo với chất lượng học tập và rèn luyện đạo đức tốt; xây dựng cơ sở vật chất nhà trường đầy đủ để đảm bảo yêu cầu giảng dạy và học tập.
Sau hai mươi năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng, đến nay, trường THPT Vân Cốc đã vượt lên vững vàng, ngày càng phát triển và trưởng thành.
Hai mươi năm qua, nhà trường đã đón nhận hơn một trăm lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các vùng trong thành phố về công tác tại trường. Ai đã từng công tác hay đặt chân tới trường THPT Vân Cốc, đều nhận ra một điều, địa bàn nơi trường đóng là một vùng dân cư cho đến nay vẫn còn nghèo và lạc hậu. Bốn phía xung quanh trường quanh năm trồng toàn lúa, ngô, đỗ, lạc, không có một nhà máy, một cơ sở sản xuất có quy mô nào được đặt ở đây. Đa phần người dân sống và nuôi con ăn học bằng nghề trồng trọt hoặc chạy chợ khuya sớm. Vì thế, hơn 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại trường đều là những người dám chấp chận khó khăn, gian khổ để gắn bó với nhà trường, với học trò. Lời dặn dò của chủ tịch Hồ Chí Minh : “Dù khó khăn đến đâu cùng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” thật có ý nghĩa với thầy và trò trường THPT Vân Cốc

Trong dòng chảy không ngơi nghỉ của sự nghiệp phát triển, tính đến nay ( 2012)  nhà trường đã đào tạo được hơn 6000 học sinh tốt nghiệp, 17 khóa học sinh ra trường hiện đang công tác, lao động và học tập ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành kĩ sư, các nhà khoa học, bác sĩ, nhà lãnh đạo trẻ, nhà quản lí, là sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt có nhiều học trò đã trở thành giáo viên và trở về công tác tại trường, đóng góp vào sự nghiệp trồng người cùng các thế hệ đi trước. Nhân cách, đạo đức, tài năng của học trò chính là cái đích để con thuyền giáo dục vươn tới, vì thế, sự thành đạt của các thế hệ học trò là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn động viên đối với đội ngũ các thầy cô trong mỗi năm qua.
Trong thời kì đổi mới hiện nay, trường THPT Vân Cốc vẫn đang tiếp tục được đầu tư về cơ sở vật chất với quy mô lớn. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học từng bước được trang bị đầy đủ. Cùng với đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết với nghề thì sự quan tâm đó của thành phố và của Sở Giáo dục và Đào tạo đã góp phần quan trọng tạo nên chất lượng giáo dục ngày càng cao của nhà trường. Bình quân mỗi năm học, số lượng học sinh tốt nghiệp đạt tỉ lệ 98%; học sinh đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng đạt 60%, đã có học sinh đỗ thủ khoa trường Đại học thuộc tốp đầu của cả nước; học sinh khá và giỏi đạt 45%.
Không chỉ coi trọng việc nâng cao chất lượng dạy và học, cấp Ủy, Ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường còn rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, phẩm chất học sinh, giúp các em hoàn thiện nhân cách trước khi bước vào cuộc sống. Bình quân hằng năm, hạnh kiểm tốt của học sinh đạt tỉ lệ trên dưới 70%, loại khá đạt 23 %. Đáng ghi nhận là từ trước cho đến nay trường không có hiện tượng học sinh mắc các tệ nạn xã hội.
Học đi đôi với hành, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, nhà trường còn tổ chức cho học sinh học nghề phổ thông như nghề điện, nghề vườn. Ngoài ra, thầy và trò còn được tham gia đầy đủ các hoạt động do Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương phát động, tổ chức như : thi giáo viên dạy giỏi, thi học sinh giỏi, hoạt động thể dục – thể thao, các phong trào văn hóa – văn nghệ, phong trào đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động xã hội khác với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục và đào tạo ra những thế hệ học trò vừa có tri thức văn hóa, có đạo đức, vừa năng động, tự chủ và sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của xã hội trong thời kì mới.
Đạt được những kết quả trên, hoàn thành được nhiệm vụ giáo dục trong những năm gần đây không chỉ là sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò mà còn có một phần từ sự thực hiện nghiêm túc những chủ trương, đường lối mà Đảng ủy, UBND huyện, Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn trong đó có cuộc vận động “Hai không” với 6 nội dung cùng các phong trào thi đua như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. …

 

Với sức vóc của tuổi xuân, phát huy truyền thống của quê hương Phúc Thọ, trường THPT Vân Cốc sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực dồi dào cho quê hương, đất nước.

 

The post Mái Trường Lớn Lên Từ Vùng Đất Bãi appeared first on Vân Cốc FC.


Read More...

20 năm – Những kí ức không quên

20 năm – Những kí ức không quên

Bài viết kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Quê hương nghĩa nặng tình cao Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình Hai mươi năm không phải là quá dài đối với một đời người song cũng là không ngắn so với sự ra đời, sự phát triển, sự tăng tiến của một ngôi trường. Ngôi trường ấy là trường Vân Cốc của chúng tôi, nơi tôi vẫn hằng ngày đứng trên bục giảng.

Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kì diệu: Hai mươi năm thành lập trường cũng là hai mươi năm tôi bước chân vào ngành sư phạm, cũng là hai mươi năm tôi vinh dự đứng trên bục giảng của ngôi trường thân yêu. Và cũng là 20 năm tôi chúng kiến những sự đổi thay đến “kì diệu” của ngôi trường.

Với tôi, ngôi trường THPT Vân Cốc gắn bó như một định mệnh. Nhớ lại cách đây tròn hai mươi năm, tôi được cấp trên điều về công tác tại trường, như bao thầy cô giáo trẻ khác, tôi đến trường với một niềm vui phơi phới. Vui bởi ước mơ cháy bỏng ngày nào của mình đã  thành hiện thực. Vui bởi từ nay mình đã bắt tay một công việc mới, một môi trường công tác mới mà trước đây tôi chỉ được biết qua sách vở hay qua những lần đi thực tế mà thôi.

Ngôi trường cấp II – III Vân Cốc của chúng tôi ngày ấy còn nghèo lắm, đó là mô hình “thí điểm” của cấp trên cho nên mọi thứ đều rất mới mẻ. Trường được thành lập trên cơ sở, trên nền của trường cấp II xã Vân Nam – huyện Phúc Thọ. Lúc đó cả trường chỉ có 15 lớp thì đã có tới 12 lớp cấp II, chỉ có 3 lớp 10 của cấp III, trường được mang một cái tên rát ấn tượng “Trường cấp II – III Vân Cốc – Phúc Thọ – Hà Tây”. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng rất nghèo nàn : tất cả các phòng học đều là cấp 4 đã cũ kĩ, văn phòng dùng chung. Sân trường là nền đất, cổng trường còn tạm bợ. Thầy cô giáo cấp III ngày đó chỉ vẻn vẹn 5 người : Thầy Hùng,….và một số thầy cô giáo về tăng cường cho trường như cô Hào, thầy Khương, cô Hà…Mặc dù cuộc sống vật chất của giáo viên ngày đó khá khó khăn, chỉ là cố gắng để có “cơm no, áo ấm” chứ chưa thể dám mong “ăn ngon và mặc đẹp”. Thậm chí với chúng tôi : Một chiếc xe đạp đẹp và tốt đã là điều mơ ước. Một vài thầy cô khá giả sắm được chiếc xe Ba beta thì những người như chúng tôi chỉ biết đứng … nhìn. Thế nhưng ngày đó chúng tôi sống với nhau thật vui, thật ý nghĩa. Tôi và  những thầy cô giáo trẻ mới về trường được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Ngày đó, trường chưa có khu tập thể nên chúng tôi phải ở trọ nhà dân. Có ở trong dân tôi mới hiểu câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chúng tôi được người dân ở đây yêu quý, tin tưởng, giúp đỡ rất nhiều. Có những gia đình đến nay đã trở thành người thân của chúng tôi như  gia đình 2 cụ Lương, anh chị Ngọ, Minh.

Rồi điều kì diệu đã đến với chúng tôi. “Mẻ” học sinh cấp III đầu tiên của chúng tôi đạt tốt nghiệp 100%, nhiều em còn thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, được đi học trong nước và cả nước ngoài. Và đến nay, có em đã là đồng nghiệp, công tác cùng chúng tôi và trở thành những giáo viên cốt cán.

Như một hạt giống tốt được gieo trồng và chăm sóc cẩn thận. Qui mô trường cũng lớn dần lên, các thầy cô giáo về công tác ở trường cũng ngày một nhiều lên. Ban đầu chỉ có 3 lớp với khoảng 100 học sinh, nhưng 3 năm sau đã có tới 12 lớp cấp III và có tới 30 người thầy cô giáo mới được về công tác tại trường. Với qui mô như vậy, trường phải chuyển tới một địa điểm khác rộng rãi hơn, xây dựng kiên cố hơn (đó là địa điểm của trường THCS Vân Nam ngày nay). Và cứ như vậy, qui mô của nhà trường ngày một lớn hơn, số học sinh đến học tại trường ngày một đông hơn. Ngoài học sinh ở 6 xã lân cận như Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà, Hát Môn, Xuân Phú, Long Xuyên còn có học sinh ở các xã khác hay huyện khác mà ta quen gọi là học sinh “trái tuyến” đến học tại trường.

Đến năm 1996, sau 4 năm thành lập, trường đành chia tay trường cấp II để tách ra một trường cấp III độc lập.

Tháng 11 năm nay (19/11/1992 – 19/11/2012), trường vinh dự kỉ niệm 20 năm ngày thành lập. Nhìn ngôi trường bề thế tọa lạc trên vùng đất rộng 2ha với đầy đủ phòng học hiện đại, khu hiệu bộ khang trang, có nhà tập đa năng được trang bị cho các môn học về thể chất. Nhìn ngắm các thế hệ học trò với niềm vui phơi phới, hồn nhiên bước trên sân trường. Và cũng thật hạnh phúc biết bao bởi trong đám học trò sôi nổi kia có cả cậu con trai yêu quý của tôi. Hình như chúng đang chuẩn bị cho một vở kịch vui để công diễn vào ngày thành lập trường. Chúng tôi như thấy lại hình ảnh của mình thuở hơn hai mươi năm về trước cũng vui vẻ, vô tư, đầy mơ ước.

Với cá nhân tôi, 20 năm ngày thành lập trường cũng là dịp để  tôi nhìn lại bản thân mình: đúng là buồn vụi lẫn lộn. Vui vì sự trưởng thành của trường, lớp, của học sinh và của chính bản thân mình. Tôi cảm thấy thật tự hào vì những ngày thánh qua, những ngày mình đã sống thật có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong cái vui nhiều ấy cũng có lúc thấy lòng bùi ngùi vì trong số các đồng nghiệp của mình đã có người trở thành “người thiên cổ” hoặc nhiều người đã đi xa không có dịp trở lại trường xưa, không được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của nhà trường.  Xin mượn câu thơ của nhà thơ … thay cho lời kết cũng là lời nhắn nhủ với những người đi xa :

Biết đâu chẳng có một ngày mai

Em đi hết những chặng đường dài

Trường vẫn rộng mở dang tay đón

Để rồi hạnh phúc sẽ bằng hai.

C3vancoc.edu.vn

The post 20 năm – Những kí ức không quên appeared first on Vân Cốc FC.


Read More...