Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kì diệu: Hai mươi năm thành lập trường cũng là hai mươi năm tôi bước chân vào ngành sư phạm, cũng là hai mươi năm tôi vinh dự đứng trên bục giảng của ngôi trường thân yêu. Và cũng là 20 năm tôi chúng kiến những sự đổi thay đến “kì diệu” của ngôi trường.
Với tôi, ngôi trường THPT Vân Cốc gắn bó như một định mệnh. Nhớ lại cách đây tròn hai mươi năm, tôi được cấp trên điều về công tác tại trường, như bao thầy cô giáo trẻ khác, tôi đến trường với một niềm vui phơi phới. Vui bởi ước mơ cháy bỏng ngày nào của mình đã thành hiện thực. Vui bởi từ nay mình đã bắt tay một công việc mới, một môi trường công tác mới mà trước đây tôi chỉ được biết qua sách vở hay qua những lần đi thực tế mà thôi.
Ngôi trường cấp II – III Vân Cốc của chúng tôi ngày ấy còn nghèo lắm, đó là mô hình “thí điểm” của cấp trên cho nên mọi thứ đều rất mới mẻ. Trường được thành lập trên cơ sở, trên nền của trường cấp II xã Vân Nam – huyện Phúc Thọ. Lúc đó cả trường chỉ có 15 lớp thì đã có tới 12 lớp cấp II, chỉ có 3 lớp 10 của cấp III, trường được mang một cái tên rát ấn tượng “Trường cấp II – III Vân Cốc – Phúc Thọ – Hà Tây”. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng rất nghèo nàn : tất cả các phòng học đều là cấp 4 đã cũ kĩ, văn phòng dùng chung. Sân trường là nền đất, cổng trường còn tạm bợ. Thầy cô giáo cấp III ngày đó chỉ vẻn vẹn 5 người : Thầy Hùng,….và một số thầy cô giáo về tăng cường cho trường như cô Hào, thầy Khương, cô Hà…Mặc dù cuộc sống vật chất của giáo viên ngày đó khá khó khăn, chỉ là cố gắng để có “cơm no, áo ấm” chứ chưa thể dám mong “ăn ngon và mặc đẹp”. Thậm chí với chúng tôi : Một chiếc xe đạp đẹp và tốt đã là điều mơ ước. Một vài thầy cô khá giả sắm được chiếc xe Ba beta thì những người như chúng tôi chỉ biết đứng … nhìn. Thế nhưng ngày đó chúng tôi sống với nhau thật vui, thật ý nghĩa. Tôi và những thầy cô giáo trẻ mới về trường được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Ngày đó, trường chưa có khu tập thể nên chúng tôi phải ở trọ nhà dân. Có ở trong dân tôi mới hiểu câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chúng tôi được người dân ở đây yêu quý, tin tưởng, giúp đỡ rất nhiều. Có những gia đình đến nay đã trở thành người thân của chúng tôi như gia đình 2 cụ Lương, anh chị Ngọ, Minh.
Rồi điều kì diệu đã đến với chúng tôi. “Mẻ” học sinh cấp III đầu tiên của chúng tôi đạt tốt nghiệp 100%, nhiều em còn thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, được đi học trong nước và cả nước ngoài. Và đến nay, có em đã là đồng nghiệp, công tác cùng chúng tôi và trở thành những giáo viên cốt cán.
Như một hạt giống tốt được gieo trồng và chăm sóc cẩn thận. Qui mô trường cũng lớn dần lên, các thầy cô giáo về công tác ở trường cũng ngày một nhiều lên. Ban đầu chỉ có 3 lớp với khoảng 100 học sinh, nhưng 3 năm sau đã có tới 12 lớp cấp III và có tới 30 người thầy cô giáo mới được về công tác tại trường. Với qui mô như vậy, trường phải chuyển tới một địa điểm khác rộng rãi hơn, xây dựng kiên cố hơn (đó là địa điểm của trường THCS Vân Nam ngày nay). Và cứ như vậy, qui mô của nhà trường ngày một lớn hơn, số học sinh đến học tại trường ngày một đông hơn. Ngoài học sinh ở 6 xã lân cận như Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà, Hát Môn, Xuân Phú, Long Xuyên còn có học sinh ở các xã khác hay huyện khác mà ta quen gọi là học sinh “trái tuyến” đến học tại trường.
Đến năm 1996, sau 4 năm thành lập, trường đành chia tay trường cấp II để tách ra một trường cấp III độc lập.
Tháng 11 năm nay (19/11/1992 – 19/11/2012), trường vinh dự kỉ niệm 20 năm ngày thành lập. Nhìn ngôi trường bề thế tọa lạc trên vùng đất rộng 2ha với đầy đủ phòng học hiện đại, khu hiệu bộ khang trang, có nhà tập đa năng được trang bị cho các môn học về thể chất. Nhìn ngắm các thế hệ học trò với niềm vui phơi phới, hồn nhiên bước trên sân trường. Và cũng thật hạnh phúc biết bao bởi trong đám học trò sôi nổi kia có cả cậu con trai yêu quý của tôi. Hình như chúng đang chuẩn bị cho một vở kịch vui để công diễn vào ngày thành lập trường. Chúng tôi như thấy lại hình ảnh của mình thuở hơn hai mươi năm về trước cũng vui vẻ, vô tư, đầy mơ ước.
Với cá nhân tôi, 20 năm ngày thành lập trường cũng là dịp để tôi nhìn lại bản thân mình: đúng là buồn vụi lẫn lộn. Vui vì sự trưởng thành của trường, lớp, của học sinh và của chính bản thân mình. Tôi cảm thấy thật tự hào vì những ngày thánh qua, những ngày mình đã sống thật có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong cái vui nhiều ấy cũng có lúc thấy lòng bùi ngùi vì trong số các đồng nghiệp của mình đã có người trở thành “người thiên cổ” hoặc nhiều người đã đi xa không có dịp trở lại trường xưa, không được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của nhà trường. Xin mượn câu thơ của nhà thơ … thay cho lời kết cũng là lời nhắn nhủ với những người đi xa :
Biết đâu chẳng có một ngày mai
Em đi hết những chặng đường dài
Trường vẫn rộng mở dang tay đón
Để rồi hạnh phúc sẽ bằng hai.
C3vancoc.edu.vn