Hát Môn là một xã thuộc huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Hát Môn nghĩa là cửa sông Hát
Hát Môn là xã nhất thôn, nhất làng (xã không có các thôn, làng khác nhau mà chỉ gọi chung là xã Hát Môn, Làng Hát Môn), thuộc huyện Phúc Thọ ngoại thành Hà Nội. Tại đây, Hai Bà đã lập đàn và tuyên đọc lời thề xuất quân: “Một xin rửa sạch quốc thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng…”. Sông Hát cũng là nơi Hai Bà gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết khi bị yếu thế trước quân giặc vào ngày 6-3 năm Quý Mão (năm 43 sau Công Nguyên).
Nhìn trên bản đồ sẽ thấy xã Hát Môn có hình con Chim Bồ câu đang bay về hướng Đông (Hướng bình minh). Hiên nay xã Hát Môn đã được Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đường làng ngõ xóm 100% đã được trải bê tông, đã có hệ thống đèn cao áp trên trục đường chính. Các trường học từ Mầm non đến Trung học cơ sở đều đã đạt chuẩn quốc gia. Ủy ban nhân dân xã được xây dựng chính giữa trung tâm xã, các đường liên thôn đi lại thuận tiện.
Xã có chợ phiên họp vào ngày mồng 2 và mồng 7 âm lịch. Người dân Hát môn thân thiện, cần cù chịu khó, ham học hỏi. Xã có hai nghề truyền là Xây và Mộc. Đặc biệt hiện nay nghề Tủ bếp đã và đang được khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường. Kinh tế xã hội đang phát triển mạnh mẽ, đã có nhiều người chịu khó làm ăn chân chính và đã mua được nhiều ô tô xây được nhiều biệt thự.
Xã Hát Môn có các di tích Lịch sử: Đền thờ Hai Bà Trưng, Miếu thờ Bà bán nước (Quán Tiên); Phủ Quận Công (Thờ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì), Chùa Bảo Lâm, Đền thờ Đức Thánh thủy, Đình thờ Thành Hoàng làng. Có những địa danh của xã đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Hát Môn như: Cầu đá, Chổ Vỡ, Dốc Cầu Chông, Cầu H8, Cầu Noi, Kho Quán Cả, Lô 11, Dốc Văn Chỉ, Thổ trạch…vv.
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (Nay UBND TP Hà Nội thống nhất gọi là Đền Hát Môn) bao gồm: Lễ 4/9 Âm lịch Kỷ niệm Ngày Hai Bà khao quân Tế cờ khởi nghĩa, Lễ hội Mộc Dục đêm 23 ngày 24 Âm lịch (Lễ Tắm tượng Hai Bà trước khi Hai Bà ăn tết Nguyên đán), Lễ mồng 6/3 Âm Lịch là ngày Giỗ Hai Bà.
Đền thờ Hai Bà Trưng xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội nay là Đền Hát Môn là một trong 3 ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn nhất và cổ kính nhất. Tương truyền, ngày mồng 4 tháng 9 năm 40 sau Công nguyên, sau khi bị quan Thái thú nhà Hán là Tô Định giết chết chồng, Bà Trưng Trắc đã cùng em gái là Trưng Nhị tụ cờ khởi nghĩa tại cửa sông Hát Giang. Sông Hát xưa nay là sông Đáy, cửa sông Hát xưa giờ bị bồi lấp nên cửa sông Đáy giờ đây chỉ là con mương nhỏ thuộc cụm 8 xã Hát Môn. Sau khi đánh đuổi Tô Định, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay Mê Linh thuộc Hà Nội). Năm 42, Nhà Hán sai Mã Viện (một vị tướng lão luyện, tài giỏi dưới thời Tam Quốc) mang quân sang xâm lược nước Việt. Do quân của Hai Bà là quân mới tập hợp, kinh nghiệm chiến đấu ít, nên dễ dàng thất bại trước đội quân tinh nhuệ, thiện chiến của Mã Viện. Sau khi thất trận, hai Bà rút quân quay trở lại cửa sông Hát (nơi lúc đầu tụ binh khởi nghĩa) để củng cố lực lượng. Tuy nhiên do quân địch quá mạnh, thế cùng lực kiệt Hai Bà nghe theo lời khuyên của bà bán nước nên đã gieo mình xuống sông Hát tự vẫn để giữ trọn khí tiết. Thời gian này vừa qua Tết Hàn thực (3/3) nên bà bán nước dâng Hai Bà 2 đĩa bánh trôi, hai Bà ăn xong hai đĩa bánh trôi và hai quả muỗm rồi làm lễ kính cáo trời đất sau đó gieo mình xuống sông Hát Giang tự vẫn. Đó là ngày mồng 6 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên). Ngay sau khi Hai Ba mất, dân làng đã làm miếu thờ để ghi nhớ công Hai Bà. Vậy có thể nói đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn đã có ngay sau khi hai Bà mất (tức là ngay sau năm 43). Vì hai bà ăn bánh trôi vào ngày mồng 6 tháng 3 (là ngày mất của Hai Bà) nên hiện nay nhân dân xã Hát Môn không ai ăn bánh trôi trước ngày 6/3 ÂL, phải đợi sau khi trên Đền cúng giỗ Hai Bà xong (tức là Hai Bà ăn rồi) thì mọi người mới được ăn.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng xã Hát Môn là lễ cúng giỗ hai Bà được tổ chức từ ngày mồng 04 đến ngày 06 Âm lịch hàng năm. Hiện nay Đền Hát Môn là Di tích Quốc gia đặc biệt nên lễ hội của đền do Huyện ủy, UBND Huyện Phúc Thọ tổ chức.
Quý khách có thể về dự lễ hội đền và dâng hương Hai Bà vào ngày thường hoặc dịp lễ hội. Đường về Đền Hát Môn rất dễ đi, có thể đi từ Cầu Giấy Hà Nội theo đường Quốc lộ 32 đến Phùng, qua cầu Phùng 1km rẽ phải qua xã Tam Thuấn – Thanh Đa là đến xã Hát Môn, hoặc đến đê Quai Chè (tiếp giáp giữa xã Tam Hiệp và xã Ngọc Tảo) rẽ phải, hoặc đi theo nhiều đường từ Cầu Thăng Long đi theo bờ đê qua quận Bắc Từ Liêm, qua huyện Đan Phượng sang xã Hát Môn, hoặc đi từ thị xã Sơn Tây xuống, đi từ Vĩnh Phúc sang.
theo wikipedia
The post Xã Hát Môn appeared first on Vân Cốc FC.