Giới Thiệu Về Vân Cốc FC

Trang thông tin tổng hợp của giới trẻ Vân Cốc. Nơi giao lưu của các thế hệ Vân Cốc

Hiển thị các bài đăng có nhãn Cảnh Vật Vân Cốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cảnh Vật Vân Cốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Đền Hai Bà Trưng – Đền Hát Môn

Theo huyền tích, Hai Bà Trưng là cháu chắt ngoại của dòng dõi Hùng Vương. Quê mẹ của Hai Bà ở thôn Nam An, xã Canh Thiên, huyện Ba Vì. Quê cha của Hai Bà ở Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Man Thiện, thân mẫu của Hai Bà góa chồng từ rất sớm nhưng rất chú trọng dậy con theo tinh thần yêu nước và thượng võ.



Đền Hai Bà Trưng – Hát Môn – Phúc Thọ -Hà Nội
Đền Hai Bà Trưng – Hát Môn – Phúc Thọ -Hà Nội

Đền thờ Hai Bà Trưng xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội nay là Đền Hát Môn là một trong 3 ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn nhất và cổ kính nhất. Tương truyền, ngày mồng 4 tháng 9 năm 40 sau Công nguyên, sau khi bị quan Thái thú nhà Hán là Tô Định giết chết chồng, Bà Trưng Trắc đã cùng em gái là Trưng Nhị tụ cờ khởi nghĩa tại cửa sông Hát Giang. Sông Hát xưa nay là sông Đáy, cửa sông Hát xưa giờ bị bồi lấp nên cửa sông Đáy giờ đây chỉ là con mương nhỏ thuộc cụm 8 xã Hát Môn. Sau khi đánh đuổi Tô Định, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay Mê Linh thuộc Hà Nội). Năm 42, Nhà Hán sai Mã Viện (một vị tướng lão luyện, tài giỏi dưới thời Tam Quốc) mang quân sang xâm lược nước Việt. Do quân của Hai Bà là quân mới tập hợp, kinh nghiệm chiến đấu ít, nên dễ dàng thất bại trước đội quân tinh nhuệ, thiện chiến của Mã Viện. Sau khi thất trận, hai Bà rút quân quay trở lại cửa sông Hát (nơi lúc đầu tụ binh khởi nghĩa) để củng cố lực lượng. Tuy nhiên do quân địch quá mạnh, thế cùng lực kiệt Hai Bà nghe theo lời khuyên của bà bán nước nên đã gieo mình xuống sông Hát tự vẫn để giữ trọn khí tiết. Thời gian này vừa qua Tết Hàn thực (3/3) nên bà bán nước dâng Hai Bà 2 đĩa bánh trôi, hai Bà ăn xong hai đĩa bánh trôi và hai quả muỗm rồi làm lễ kính cáo trời đất sau đó gieo mình xuống sông Hát Giang tự vẫn. Đó là ngày mồng 6 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên). Ngay sau khi Hai Ba mất, dân làng đã làm miếu thờ để ghi nhớ công Hai Bà. Vậy có thể nói đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn đã có ngay sau khi hai Bà mất (tức là ngay sau năm 43). Vì hai bà ăn bánh trôi vào ngày mồng 6 tháng 3 (là ngày mất của Hai Bà) nên hiện nay nhân dân xã Hát Môn không ai ăn bánh trôi trước ngày 6/3 ÂL, phải đợi sau khi trên Đền cúng giỗ Hai Bà xong (tức là Hai Bà ăn rồi) thì mọi người mới được ăn.

Quán Tiên – Đền Hát môn
Quán Tiên – Đền Hát môn

Quán Tiên: là một kiến trúc nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nền cao hơn mặt đường 45cm, tạo ba bậc lên nền quán. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội tại đàn Thề, bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên để tưởng nhớ công ơn đối với bà hàng bánh trôi.

Miếu Tạm ngự: nằm phía trước bên phải đền chính, có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế ba gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Các bộ vì kết cấu kiểu vì “giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Toà hậu cung ba gian, xây nối liền với tiền tế, hệ vì đỡ mái có kết cấu tương tự nhà tiền tế. Phía trước mở hệ thống cửa kiểu bức bàn. Công trình kiến trúc này là nơi tạm ngự của Thánh Bà. Khi mùa nước lũ hàng năm, khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và toàn bộ đồ thờ tự của đền về đền Tạm ngự, hết mùa nước lũ lại rước Thánh hoàn cung.

Nghi môn ngoại: có niên đại khởi dựng vào thời Nguyễn, được làm theo kiểu tứ trụ xây gạch, đỉnh trụ đắp nổi hình tứ phượng, lân. Phần lồng đèn đắp nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Thân trụ có câu đối chữ Hán. Từ nghi môn theo triền đê xuống là khu đền chính, bên phải có hồ nước, giữa hồ có nhà thủy đình (phương đình) mới xây dựng gần đây. Bên trái đường trên mặt đê là nhà tưởng niệm  nữ tướng – nữ anh hùng Nguyễn Thị Định.

Đàn Thề: được xây dựng mới ở phía trước cổng tam quan, cột đá thề được tạo kiểu trụ hình tháp, bốn mặt có khắc chữ Hán, đặt trên nền cao hơn mặt sân 65cm, trổ năm bậc lên, mặt hướng vào đền khắc nội dung lời thề của Hai Bà Trưng. Bao quanh đàn thề là tường bao lửng, phía ngoài đặt các tượng voi và ngựa bằng đá.

Nghi môn: gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng. Các bộ vì đỡ mái được kết cấu theo dạng “giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát.
Nhà bia: hai nhà bia được xây ở vị trí phía ngoài dãy nhà tả/ hữu mạc, trên nền cao hơn mặt sân 30cm, kiểu phương đình, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao tạo cong vút.

Tả/ hữu mạc: mỗi dãy năm gian chạy dọc theo sân đền, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, các bộ vì đỡ mái kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ”, được đặt lên tường bổ trụ trốn một hàng cột.


Từ Đại Bái
Từ Đại Bái


Nhà đại bái: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, cốn mê, bẩy hiên”, hoành mái phân “thượng tam – hạ tứ”, mái lợp ngói ri, nền lát gạch Bát. Trang trí trên kiến trúc tập trung dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng …, với các đề tài rồng, tứ linh. Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà.




Tiền tế: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh bó gạch vỉa, các bộ vì kết cấu“thượng rường giá chiêng, hạ bẩy hiên”.

Hậu cung: gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng “chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc này chủ yếu là phượng. Gian giữa cung cấm được tạo một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà.

Nhà khách: gồm năm gian, kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì đỡ mái tạo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”cột trốn.

Gò Giấu Ấn: ở phía sau hậu cung đền. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc rút quân hoá thân về cõi vĩnh hằng ở cửa sông Hát. Hiện nay, gò Giấu Ấn được bó vỉa, xây tường gạch bao quanh.

Đền Hát Môn còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về văn hoá, lịch sử, gồm: 293 di vật, cổ vật với nhiều chủng loại và phong phú chất liệu, như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy, kim loại… có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đến nay.

Hội đền Hát Môn được tổ chức hằng năm vào ngày 6 tháng 3 (Âm lịch), với các nghi lễ và trò diễn dân gian thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Đặc biệt, tục làm bánh trôi và lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Đền Hát Môn được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương. Những sự kiện lịch sử và hệ thống di tích quanh vùng sông Hát góp phần làm giàu thêm nội dung và tôn cao giá trị của đền thờ Hai Bà Trưng.
Với những giá trị đặc biệt, di tích Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).


Read More...

Đình Vân Cốc

Đình Vân Cốc

Theo các thư tịch cổ thì đình Vân Cốc là nơi phụng thờ hai chị em họ Phùng là Phùng Thị Ả Tú và Phùng Thị Ả Huyền. Sự tích kể rằng, xưa kia ở làng Vân Thủy, tổng Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, trấn Sơn Tây có ông Phùng Liệt, vợ là Phạm Thị Tự sinh được hai người con gái tên là Phùng Thị Ả Tú và Phùng Thị Ả Huyền vào ngày mùng sáu tháng giêng và ngày mười lăm tháng tám âm lịch. Ngày ấy, tại làng láng giềng Nhật Chiểu, xã Liên Châu, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có ông Hoàng Xuân Hy, vợ là Phạm Thị Chỉ sinh được người con gái tên là Hoàng Thượng Cát. Ba người con gái này vốn bẩm tính thông minh, khỏe mạnh, lại có tài thao lược, văn võ song toàn, đương thời không ai sánh kịp. Đứng trước hận thù mất nước do sự cai trị hà khắc của Thái thú Tô Định, ba bà đau đáu một lòng tìm kế giúp nước phù dân, những mong dành lại độc lập cho đất nước.

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa và lập đàn tràng mật đảo tại cửa sông Hát và truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi người tài giỏi hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Ba bà đã chiêu mộ được nhiều người, luyện tập cung kiếm võ nghệ rồi vượt sông sang Hát Môn tụ cờ bái yết Hai Bà Trưng, nguyện một lòng vì nước. Sau khi xuất quân, với khí thế như chẻ tre, Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân tiến đánh quân Tô Định, thu lại 65 thành và định đô tại Mê Linh.

Sau ba năm, nhà Hán sai Mã Viện đem 5 vạn quân sang Giao Chỉ đánh báo thù. Trong trận chiến không cân sức, hai bà phải lui quân về vùng Cẩm Khê. Nhưng vì thế giặc mạnh nên Hai Bà đã tuẫn tiết tại cửa sông Hát. Các tướng lĩnh đều chống trả quyết liệt nhưng không ngăn chặn được bước tiến của quân giặc. Ngày 6 tháng 3 âm lịch, hai bà cũng hy sinh. Để tưởng nhớ công lao và chí khí của ba bà, nhân dân nơi đây đã lập đền miếu phụng thờ.

Đình Vân Cốc hiện nay tọa lạc trong một không gian thoáng đãng, xung quanh trồng nhiều cây lưu niên tạo phong cảnh hài hòa. Theo hồi cố của nhân dân thì đình được xây dựng từ rất lâu đời nhưng do tiêu thổ kháng chiến nên không giữ được những dánh vẻ như thời khởi dựng. Đình nhìn theo hướng đông nam, bao gồm các hạng mục: Nghi môn, Đại bái và Hậu cung.

Nghi môn làm theo kiểu trụ biểu, hai trụ giữa vút cao, đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, ép thân thành hình trái dành, phía dưới là ô lồng đèn trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý, thân trụ soi gờ, kẻ chỉ và trang trí các đôi câu đối bằng chữ Hán. Nối từ trụ biểu sang hai bên là hai cổng pháo làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái đao cong, trên nắp đắp nổi hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Hai trụ nhỏ hai bên soi gờ kẻ chỉ, đỉnh trụ là đôi nghê chầu.

Nghi môn đình Vân Cốc
Nghi môn đình Vân Cốc

Từ Nghi môn qua một khoảng sân khá rộng là tới Đại bái. Đây là hạng mục được làm theo kiểu 5 gian 2 dĩ. Các bộ vì ở đây được làm theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường con nhị, hạ kẻ, bẩy và thượng chồng rường, hạ xà nách rường cụt. Tại các bộ vì này, các cấu kiện gỗ như hoành, xà, bẩy, đầu dư…được liên kết với nhau rất chặt chẽ, tạo thành bộ khung vững chãi đỡ lấy mái. Các cấu kiện này được trang trí hoa văn lá lật cách điệu.

 

Từ Đại bái,

Từ Đại bái,

Từ Đại bái, qua một khoảng sân lọng là tới Hậu cung, được làm theo kiểu ba gian nhà ngang. Gian giữa rộng khoảng hơn 3 mét, hai gian bên khoảng hơn 1 mét. Cả bộ vì đỡ mái ở đây được làm tương tự như Đại bái, nhưng hệ thống đồ thờ tự được bài trí khá phong phú, thể hiện uy linh của Thành hoàng làng. Đình Vân Cốc đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố năm 1999.

Trải qua thời gian, với lòng thành kính đối với đức Thành hoàng làng, nhân dân Vân Cốc luôn có ý thức tôn bồi và bảo lưu hệ thống di vật phong phú như ba bộ long ngai, bài vị, hai hương án gỗ, sập thờ, cửa võng, một cuốn thần tích và những di vật có giá trị khác. Đây là những di vật quý để hàng năm, cứ vào ngày 2 tháng 12 âm lịch, dân làng lại tưng bừng mở hội, cùng với những trò chơi dân gian diễn xướng lại những nghi thức khi xưa. Đặc biệt vào mùa hội, đình Vân Cốc còn trở thành nơi lưu giữ một phần hồn quê thiêng liêng của người dân nơi đây từ bao đời xưa truyền lại. Hội kéo dài tới ba ngày, năm nào cũng tưng bừng với lễ rước giễu hành của lần lượt ba xã của Tổng Cốc xưa (nay gồm: xã Vân Nam, xã Vân Phúc, xã Vân Hà ), cùng với những trò chơi dân gian thu hút nhất là trò cờ người. Hằng tháng cứ ngày rằm và mùng một là nhân dân lại kính cẩn sửa soạn lễ mọn với lòng thành kính thờ phụng những bậc hiền nhân để đình luôn có sự ấm cúng không trở nên hiu quạnh. Nơi đây không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng của người dân Tổng Cốc mà ngày nay nó còn trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân, là nơi lưu giữ một phần hồn quê Vân Cốc, lưu giữ niềm tự hào trong truyền thống yêu nước của mỗi người dân nơi đây.

The post Đình Vân Cốc appeared first on Vân Cốc FC.


Read More...