Thưởng thức trái bưởi đặc sản của vùng Vân Cốc

Mùa thu con sông Hồng êm ả trôi giữa đôi bờ, có vùng làng trù phú bên sông, trải dài gần 10km. Đó là vùng Vân Cốc (Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay).

Đặc sản của Vân Cốc là bưởi. Bưởi Cốc có từ bao giờ không ai nhớ, chỉ biết từ ngày khai thiên lập địa ra Tổng Cốc xưa gồm làng Hưu Trưng (nay thuộc Trung Châu – Đan Phượng), Chàng Lan (thuộc Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc) và ba xã Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà bưởi đã có rồi.

Thường mọi người biết đến bưởi Đoan Hùng (Vĩnh Phúc), bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh), Quảng Trạch (Quảng Bình), giống bưởi đó trái to, bóc múi bưởi tứa nhiều nước, ăn ngọt, mát. Nhưng bưởi Cốc từ màu sắc, hương vị đều có nét riêng.

Bưởi Cốc được người dân quanh vùng ưa chuộng, rồi truyền đến Hà Nội từ tháng mười ta trở đi. Người Hà Nội sành dùng bưởi, họ tìm ở chợ Ngọc Hà, chợ Sanh, Cầu Giấy, Giảng Võ… những cô gái có làn da hồng mịn, tiếng nói có âm sắc nằng nặng của xứ Đoài, đó chính là những cô gái Cốc bên những sọt bưởi giòn thơm.

Trái bưởi Cốc thường không to lắm, tròn, hơi bẹt hai đầu, vỏ mịn màu vàng đồng thau, đường kính chỉ 10-12cm, đặc biệt loài bưởi này vỏ có mùi thơm như xạ hương, lại thoảng thơm như nước hoa.

Lúc bổ bưởi chỉ cần đưa nhẹ dao gọt lớp vỏ ngoài là lộ lớp cùi trắng bông, ăn có vị hơi ngọt, giòn, các múi bưởi to đều, bố cục rất cân không hề có nước vỡ ra. Bóc lớp cùi mỏng, thấy tôm bưởi lộ ra mọng nước. Tôm bưởi có màu trong như phần thịt của quả nhãn, các tôm bưởi mang hình của ngọn lửa nến rất đẹp.

Đưa múi bưởi lên môi, ta đã hưởng làn hương thơm nhẹ như hương sen. Khi nhai khẽ, cảm giác hơi giòn. Lúc ấy, nước bưởi mới tứa ra vị ngọt đậm.

Sang tháng mười ta cây bưởi nào chín hết, người ta trẩy mang vào nhà rồi để nơi râm mát, bôi tí vôi vào cuống, bưởi sẽ để tới tháng ba sang năm, khi ấy đã qua Tết, hoa quả hiếm mang bán rất đắt.

Cây bưởi trên vùng đất Cốc phát triển rất nhanh, cây ươm hạt thì bốn năm sau đã cho lứa quả đầu, tán bưởi phát triển đều nhưng lá thưa. Tuổi thọ của cây bưởi vùng này tới 20 năm, cây to thường đạt 400-500 quả.

Hoa bưởi nở vào mùa xuân, cánh hoa màu trắng, nhụy vàng, khi nở hết khoe nhụy năm cánh hoa quăn đều như bàn tay nâng niu nhụy, đợi ngày mãn hoa kết quả. Ở vùng quê này, hoa bưởi còn dùng làm chất liệu cho món ăn đó là bánh trôi Tết Thanh minh (mồng ba tháng ba).

Người ta lấy hoa bưởi nở còn tươi về ngâm vào chậu nước mưa khoảng 15 giờ đồng hồ, sau đó lọc chậu nước này qua tấm vải sạch. Bánh trôi sau khi đun chín trên bếp được vớt ra chậu nước bưởi đã lọc, rồi đưa lên đĩa. Khi ăn bánh trôi thoang thoảng mùi hoa bưởi.

Người Cốc còn truyền nhau câu chuyện thời Hai Bà Trưng tụ nghĩa dẹp giặc nhà Hán (năm 40), vùng Cốc có ba người con gái nguyện theo Hai Bà giết giặc. Trước lúc yết kiến Hai Bà, ba người con đất Cốc xin được dâng lễ vật nhỏ của quê hương, đó là những trái bưởi.

Hai Bà sau khi thưởng thức đều khen bưởi ngọt thơm vị đậm, thoáng có mùi thơm hương sen, chưa từng thấy nơi nào có. Ba người con gái đất Cốc thành ba vị tướng trung thành của Hai Bà. Đến nay nhân dân Vân Cốc vẫn còn miếu thờ tưởng nhớ công lao của ba người con gái quê hương, gọi là ả Nàng, ả Tú, ả Huyền./.


Related Post

Previous
Next Post »